Tóm tắt: Sự ra đời của công nghệ đã mở ra một con đường mới cho việc giảng dạy và học tập bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong tiếng Anh. Các công cụ công nghệ cung cấp rất nhiều nguồn tài liệu cho sinh viên, tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ cho mục đích học tập của sinh viên vẫn còn hạn chế. Kết quả là sinh viên vẫn gặp khó khăn trong việc nói tiếng Anh. Nghiên cứu này được thực hiện trong một khóa học tiếng Anh tại Trường Đại học Thương mại nhằm tìm hiểu việc sử dụng Flipgrid - một trang mạng giáo dục - để cải thiện khả năng nói trôi chảy của sinh viên. Sinh viên được yêu cầu đăng video nói (mỗi bài dài 5 phút) hằng tuần. Tổng cộng số bài là 10 video. Điểm của bài kiểm tra trước (video đầu tiên) và sau kiểm tra (video cuối cùng) được phân tích bằng SPSS 20. Kết quả cho thấy Flipgrid có ảnh hưởng tích cực trong việc nâng cao mức độ nói trôi chảy của sinh viên.
Từ khóa: Kỹ năng nói, công nghệ, video, Flipgrid, sự trôi chảy.
Abstract: Technology has opened up a new way to teach and study four skills of listening, speaking, reading, writing in English. Technology tools provide students with a wealth of materials but the number of students who use technology for their studies remains limited. Students still have difficulties in speaking English. Thus, the aim of this study is to examine the use of Flipgrid - a type of educational platform - to increase the speaking fluency for students in an English course at Thuongmai University. In 10 weeks, the participants were asked to post their 5-minute videos weekly. SPSS 20 has been used to analyze results for pre-test (first video), and post-test (last video). It is concluded that Flipgrid can be used to improve the level of fluency in speaking for the students.
Keywords: Speaking, technology, video, Flipgrid, fluency.
1. Dẫn nhập
“Ngày nay, khả năng sử dụng thông thạo tiếng Anh là một lợi thế giúp chúng ta thành công và đạt nhiều bước tiến trong công việc” [15, tr.10]. Là một trong bốn kỹ năng quan trọng khi học một ngoại ngữ, kỹ năng nói luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà giáo dục và nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, trình độ nói của sinh viên hiện nay vẫn cần được quan tâm hơn nữa vì thực tế cho thấy có khá nhiều sinh viên chưa có khả năng nói trôi chảy sau khi hoàn thành đầy đủ các học phần tiếng Anh và sau khi tốt nghiệp đại học. Nguyên nhân của tình trạng này bao gồm những nguyên nhân khách quan từ yếu tố môi trường cũng như nguyên nhân chủ quan từ phía sinh viên. “Kỹ năng nói là một kỹ năng không dễ đạt được vì nó đòi hỏi người học phải có các chiến lược và kỹ thuật phù hợp” (Richards, 2005; Davin, 2013). Trên thực tế, nhiều sinh viên tuy khá tự tin về kỹ năng đọc viết hay dịch thuật nhưng vẫn cảm thấy khó có thể chinh phục kỹ năng nói. Từ đó có thể thấy, kỹ năng nói không phải tự nhiên mà có được, và để có thể thành thạo kỹ năng này, người học cần luyện tập thường xuyên với chiến lược phù hợp. Có thể nói thành tố quan trọng nhất của kỹ năng nói là độ trôi chảy, nó khó có thể đạt được nếu không có sự rèn dũa thường xuyên và hợp lý. Theo Davin (2013), “quá trình này đòi hỏi người nói phải sử dụng các cấu trúc một cách chính xác trong khi tập trung vào nội dung hơn là hình thức và tự động sử dụng các đơn vị lời nói và mẫu câu ở tốc độ điển hình của cuộc hội thoại”.
Do mức độ nói trôi chảy của sinh viên học ngôn ngữ thứ hai hay ngoại ngữ vẫn chưa được như mong muốn, nên vấn đề này cần phải được giải quyết một cách hiệu quả. Việc sử dụng công nghệ được chứng minh là có nhiều tiềm năng trong việc nâng cao các kỹ năng ngôn ngữ và ngoại ngữ của sinh viên. Trong số rất nhiều công cụ hỗ trợ nói, Flipgrid dường như có nhiều lợi thế cạnh tranh. Flipgrid là trang web cung cấp các công cụ quay video cho sinh viên, các bài đánh giá cũng như hướng dẫn từ giáo viên. Flipgrid hoạt động như một loại hệ thống quản lý sinh viên nhưng chuyên về kỹ năng nói.
2. Cơ sở lý luận
2.1. Kỹ năng nói
Nói “là một quá trình tương tác trong đó người nói truyền đạt một ý bằng cách tạo lập, tiếp nhận và xử lý thông tin với các hình thức và ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh mà nó xảy ra” (Burns & Helen, 1997). Đó là khả năng thể hiện bản thân bằng lời nói một cách mạch lạc trong một ngữ cảnh có ý nghĩa, nhằm mục đích giao dịch và tương tác với cách phát âm dễ hiểu, ngữ pháp chính xác, từ vựng và quy tắc diễn ngôn thích hợp.
2.2. Tầm quan trọng của sự trôi chảy trong lời nói
Sự trôi chảy đóng vai trò quan trọng vì khả năng của một cá nhân có thể nắm bắt và sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả trong bối cảnh thực tế thể hiện kỹ năng giao tiếp. Điều này làm cho sự trôi chảy trở thành một thành phần quan trọng của ngôn ngữ, giúp sinh viên truyền đạt ý nghĩ của mình một cách chính xác, dễ dàng và tự nhiên. Ngoài việc đạt được trình độ nói trôi chảy cao hơn, điều quan trọng là thái độ và hành vi của sinh viên phải phù hợp với các mục tiêu học tập, nghề nghiệp và mục tiêu cá nhân vì mức độ tự chủ của cá nhân ảnh hưởng rất nhiều đến việc làm chủ quá trình học tập của họ. Với sự tự chủ trong học tập, sinh viên phải tự quan sát, theo dõi và đánh giá kết quả hoạt động của mình. Việc hình thành nên khả năng nói trôi chảy cũng không nằm ngoài quy luật này. Muốn nói tiếng Anh trôi chảy, sinh viên cũng cần có sự luyện tập tự chủ và bền bỉ trong một bối cảnh phù hợp.
2.3. Các yếu tố của sự trôi chảy trong lời nói (speaking fluency)
Kỹ năng nói bao gồm nhiều yếu tố khác nhau như năng lực về ngữ pháp, chiến lược, diễn ngôn, sự vận dụng kiến thức xã hội học và sự trôi chảy. Sự trôi chảy đóng vai trò quan trọng trong kỹ năng nói. Sự trôi chảy là “một thành phần thiết yếu trong kỹ năng nói mà không bao giờ có thể bù đắp được bằng các kỹ năng khác” [18, tr.43]. Nó bao gồm độ chính xác, tốc độ và khả năng ngắt nghỉ khi nói; do đó, nó được hiểu là khả năng lấp đầy thời gian cho cuộc nói chuyện, sử dụng các câu mạch lạc và chính xác, và sáng tạo trong việc sử dụng ngôn ngữ để duy trì cuộc trò chuyện (Skehan, 1991). Đặc biệt, sự trôi chảy của người nói được liên kết với kiến thức và khả năng của người nói để sử dụng các khả năng bổ trợ (sử dụng các cụm mở đầu, sử dụng các cụm từ ngữ nghĩa, hay lược bỏ thông tin) và khả năng bù đắp cho cuộc hội thoại (tự sửa, diễn đạt lại hoặc lặp lại). Nói cách khác, sự trôi chảy liên quan đến việc sử dụng tập hợp các kỹ năng thành phần cần thiết trong một giới hạn thời gian nhất định (Torky, 2006).
Phân tích sự trôi chảy, Brown (2003) đề xuất một cách tiếp cận toàn diện để đạt được sự trôi chảy bằng cách đưa ra các quy tắc phù hợp trong khi nói, bao gồm nhận thức về các công cụ, chiến lược và lựa chọn ngôn ngữ giúp sinh viên giao tiếp. Tương tự như vậy, Thornbury (2007) đã phân tích cụ thể các yếu tố của khả năng nói trôi chảy. Thornbury (2007) cho rằng khả năng nói trôi chảy bao gồm 4 yếu tố: yếu tố đầu tiên là tốc độ (speed), nghĩa là khả năng nói đủ nhanh; yếu tố thứ hai là việc ngắt nghỉ khi nói (pausing), tức là thời gian người nói cần để tạo ra lời nói; vị trí của các khoảng dừng (placement of pauses) là yếu tố thứ ba, liên quan đến tính tự nhiên của lời nói; điều cuối cùng liên quan đến độ dài thời gian (length of time) hay số lượng âm tiết mà một người có thể nói giữa các lần tạm dừng.
Trong việc đánh giá khả năng nói, khung đánh giá chung về ngôn ngữ của Châu Âu (Common European Framework of Reference for Languages – CEFR) mô tả sự trôi chảy là một trong bốn tiêu chí quan trọng. Các yếu tố nổi bật giúp truyền đạt sự trôi chảy là thời lượng cuộc trò chuyện của sinh viên, vấn đề tự nhiên và tốc độ đều của lời nói. Sự dừng lại (pause) và do dự (hesitation) quá dài, khó khăn khi mở lời (false start) và diễn đạt lặp lại (reformulation) là những biểu hiện tiêu cực của sự trôi chảy. Theo CERF, sự trôi chảy là một trong năm tiêu chí quan trọng để đánh giá kỹ năng nói (ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm, sự trôi chảy và giọng nói).
Mặc dù có một số tiêu chí để đánh giá sự trôi chảy, nhưng chỉ những tiêu chí quan trọng và thiết thực nhất mới được chọn trong nghiên cứu này. Để tìm ra mức độ trôi chảy, nghiên cứu này đã kết hợp sáu yếu tố là số lần ngập ngừng hay do dự (hesitation), lặp lại (repetition), tạm dừng (pause), sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ (first language use), lỗi phát âm (pronunciation mistakes/ mispronunciation) và diễn đạt khó hiểu (incomprehensible expressions). Những yếu tố này có tương quan nghịch với khả năng nói trôi chảy.
Có rất nhiều nghiên cứu (Contreras Gutiérrez, 2014; Makassar & Maros, 2018) đã đi sâu vào tìm hiểu tác dụng của công nghệ trong việc trau dồi khả năng nói trôi chảy. Những nghiên cứu đó đã khẳng định hiệu quả của các thiết bị truyền thông hoặc điện thoại di động trong việc giúp người học cải thiện khả năng phát âm và kỹ năng nói. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều chưa đề cập đến tính khả thi của việc sử dụng hệ thống quản lý sinh viên dành riêng cho kỹ năng nói. Do đó, nghiên cứu này nhằm mục đích đưa ra cái nhìn sâu sắc về việc sử dụng hệ thống quản lý sinh viên cho việc học tập dựa trên video, cụ thể là Flipgrid.
2.4. Tác dụng của video và Flipgrid
Việc quay video trong giảng dạy đã trở nên rất phổ biến kể từ khi xuất hiện phương pháp học ngôn ngữ với sự hỗ trợ của máy tính (Computer-Assisted Language Learning - CALL). Công nghệ được chứng minh có thể cải thiện kỹ năng siêu nhận thức, khả năng tự định hướng và kiểm soát cá nhân ở tốc độ phù hợp với bản thân bằng cách cung cấp nhiều tài liệu và bài tập (Boisvert & Rao, 2015; Butler & Lee, 2010). CALL đã phát triển mạnh mẽ với sự bổ sung liên tục của các thiết bị công nghệ, đặc biệt sau sự ra đời của các công cụ Web 4.0. Các phương pháp tiếp cận dựa trên công nghệ bổ sung cho thực tiễn giảng dạy và lấy sinh viên làm trung tâm của quá trình học tập bằng cách sử dụng phương pháp mà trong đó quá trình học tập phụ thuộc vào sinh viên (Keengwe, Onchwari, & Oigara, 2014). Các bản ghi video có thể cung cấp một phương tiện tự theo dõi, tạo ra các hoạt động học tập phong phú và tinh tế đối với cá nhân sinh viên. Video cũng giúp cho sinh viên nhận thức được trình độ hiện tại của bản thân vì sinh viên có thể theo dõi cũng như quan sát tỉ mỉ hơn kết quả hoạt động của mình qua việc xem lại các video.
Boisvert & Rao (2015) và Butler & Lee (2010) đã khẳng định việc áp dụng video trong giảng dạy cho phép người học quan sát, theo dõi, đánh giá và cải thiện hiệu suất của họ theo thời gian thông qua việc sử dụng các chiến lược hợp tác. Do đó, video có tác dụng khuyến khích người học tăng cường khả năng phát âm nói riêng cũng như kỹ năng nói nói chung. Tuy nhiên, những nghiên cứu đó chưa đề cập đến hiệu quả cụ thể của việc sử dụng hệ thống quản lý sinh viên có ứng dụng video trong việc cải thiện khả năng nói trôi chảy của sinh viên, vấn đề mà nghiên cứu này quan tâm.
Flipgrid là một nền tảng cho các thảo luận qua video sử dụng trong giáo dục, được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và giảng dạy. Năm 2014, Giáo sư Charles Miller giảng dạy tại Trường Đại học Minnesota đã phát triển Flipgrid - một công cụ học tập video-audio. Ngoài chức năng thảo luận, đánh giá, thuyết trình và nhiều ứng dụng khác, Flipgrid còn có thể được sử dụng như một công cụ học tập video trực tuyến. Flipgrid dựa trên phương pháp giao tiếp bằng lời cho sinh viên. Flipgrid có lợi cho việc xây dựng xã hội học tập, phát triển kỹ năng biên tập nội dung video và xây dựng tính cộng đồng (Green & Green, 2018). Trong lịch sử giảng dạy, Flipgrid đã tạo được động lực nhờ tính hiệu quả của nó (Bartlett, 2018; Miskam & Aminabibi, 2019).
Các nghiên cứu (Margaret, Amanda, Cameron & Joshua, 2021; Johnson & Skarphol, 2018; McLain 2018;) đã chứng minh việc áp dụng Flipgrid có một số lợi ích quan trọng. Việc sử dụng Flipgrid đã được chứng minh là làm tăng sự cam kết trong học tập và tính cộng đồng của sinh viên trực tuyến (Johnson & Skarphol, 2018). Tạo video là khả năng trong thế giới hiện thực ngày nay, giúp sinh viên phát triển toàn diện khả năng trình bày hiệu quả và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ. Flipgrid đã được minh chứng là có tiềm năng đáng kể trong một môi trường ngôn ngữ đích thực tế để phát triển kỹ năng ngôn ngữ. McLain (2018) khám phá ra rằng Flipgrid đã làm tăng sự tin tưởng của sinh viên trong một lớp học viết tiếng Anh thương mại. Việc sử dụng Flipgrid có thể mang lại lợi ích cho kỹ năng nói, sự hợp tác trong học tập, sự tự tin và khả năng phát âm của sinh viên. Ngoài ra, nhận thức của sinh viên về sự kết nối trong một lớp học trực tuyến đã được tăng lên (Bartlett, 2018). Margaret, Amanda, Cameron và Joshua (2021) đã nghiên cứu nhận thức của sinh viên về tác dụng của Flipgrid trong môi trường học tập HyFlex (môi trường học tập kết hợp và linh hoạt). Nhìn chung, kết quả nghiên cứu của họ chỉ ra rằng trong môi trường học tập HyFlex, sinh viên thấy Flipgrid hữu ích và có lợi cho mình. Kết luận được đưa ra dựa trên số trung bình từ bảng câu hỏi và các câu hỏi mở. Phần lớn sinh viên đánh giá Flipgrid có tác dụng giúp sinh viên nhận thức được sự tiến bộ trong năng lực ngôn ngữ của mình, và sự tương tác của tập thể lớp. Một số ít sinh viên cũng phản ánh mức độ lo lắng do các hoạt động Flipgrid gây ra. Tuy nhiên, hạn chế này có thể được khắc phục bằng cách tạo nhiều hoạt động Flipgrid, giúp sinh viên cảm thấy quen thuộc với hoạt động này. Như vậy, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra những lợi ích khác nhau của Flipgrid, nhưng chưa có nghiên cứu nào đề cập đến tác dụng nâng cao khả năng nói trôi chảy của Flipgrid.
3. Câu hỏi nghiên cứu
Mục đích của nghiên cứu là xác định hiệu quả của Fripgrid trong việc cải thiện khả năng nói trôi chảy cho sinh viên. Do đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm trả lời câu hỏi sau: Việc sử dụng Flipgrid có thể nâng cao khả năng nói trôi chảy cho sinh viên không?
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Khách thể và quy trình nghiên cứu
Đây là nghiên cứu hành động được thực hiện với một lớp học gồm 32 sinh viên năm thứ nhất học tại Trường Đại học Thương mại, trong đó có 30 nữ và 2 nam. Vì trước đó sinh viên phải hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học với các bài thi tiếng Anh đọc và viết ở dạng trắc nghiệm nên kỹ năng nói của sinh viên chưa được chú trọng và cần cải thiện nhiều. Những sinh viên tham gia nghiên cứu tạo và đăng video các bài tập nói trên Flipgrid hằng tuần từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 11 của khóa học tiếng Anh 15 tuần. Mỗi video kéo dài 5 phút về một chủ đề nhất định. Các chủ đề này được lấy từ ba cuốn sách luyện thi CAMBRIDGE IELTS và các chủ đề được chọn cũng liên quan chặt chẽ đến các chủ đề đã học trong chương trình học. Đầu tiên, sinh viên được giới thiệu và hướng dẫn cách thực hiện bài tập. Sinh viên được hướng dẫn cách đăng ký, đăng nhập, quay và đăng video trên Flipgrid. Sinh viên cũng được thông báo và giải thích về nghiên cứu để sinh viên nhận thức và hiểu rõ nhiệm vụ cần phải làm. Sau khi được hướng dẫn, các tuần tiếp theo, sinh viên bắt đầu đăng video các bài luyện nói tiếng Anh. Các bài kiểm tra trước (pre-test) và sau khi áp dụng Flipgrid (post-test) được thực hiện vào tuần thứ nhất và tuần thứ 12 để xác định sự cải thiện khả năng nói trôi chảy của sinh viên.
4.2. Công cụ thu thập dữ liệu
Để phân tích tác động của Flipgrid đối với sự trôi chảy, nghiên cứu đã sử dụng điểm số của bài kiểm tra trước (pre-test) và bài kiểm tra sau (post-test) khi áp dụng Flipgrid. Hai bài kiểm tra được thực hiện tương ứng vào tuần 2 và tuần 12. Các tiêu chí được xây dựng dựa trên nghiên cứu của Brown (2003) và Thornbury (2007). Các bài kiểm tra bao gồm 6 tiêu chí là số lần ngừng nói (pauses) quá 5 giây, số lỗi phát âm sai (mispronounciations), số lần lặp lại từ (repetitions), số lần ngập ngừng (hesitations) quá 3 giây, số lần sử dụng tiếng mẹ đẻ (first language uses) và số lượng các diễn đạt khó hiểu (non-comprehensible words). SPSS 20 được sử dụng để phân tích dữ liệu bằng kiểm định trung bình cho mẫu cặp.
4.3. Kết quả
Kết quả của bài kiểm tra trước và bài kiểm tra sau được trình bày trong Bảng 1. Trung bình được tính dựa trên số lần sinh viên mắc lỗi tương ứng (tức là tổng số lỗi của sinh viên/tổng số sinh viên).
Kết quả của bài kiểm tra trước và bài kiểm tra sau được phân tích dựa trên số lần sinh viên dừng lại hơn 5 giây, phát âm sai, lặp lại từ, ngập ngừng hơn 3 giây, sử dụng tiếng mẹ đẻ và có những cách diễn đạt khó hiểu.
Kết quả cho thấy sinh viên đã cải thiện đáng kể sự trôi chảy khi nói, đặc biệt là giảm số lần dừng nói hơn 5 giây, lặp lại từ và ngập ngừng. Trước khi tham gia vào hoạt động Flipgrid, với bài kiểm tra trước, sinh viên ngập ngừng hơn 3 giây khi nói có số trung bình cao nhất là 6,88; tiếp theo là số lần tạm dừng hơn 5 giây với 5,72; số lượng cách diễn đạt khó hiểu đứng ở vị trí thứ ba với 5,22; số lỗi phát âm sai đứng vị trí thứ tư với 4,47; và thấp nhất là dữ liệu cho số lần lặp lại từ với 2,69 và việc sử dụng tiếng mẹ đẻ với 0,97. Sau khi áp dụng Flipgrid, số liệu thống kê cho tất cả các yếu tố trên đã giảm đáng kể. Tỉ lệ giữa các yếu tố dường như là như nhau, với số lần ngập ngừng là cao nhất với 5,84 và số lần sử dụng tiếng mẹ đẻ là thấp nhất với 0,34.
Theo Bảng 1, mức độ của tất cả 6 yếu tố đều giảm sau khi áp dụng Flipgrid, điều này có nghĩa là mức độ trôi chảy có khả năng tăng lên. Để xác định xem sự khác biệt có đáng kể hay không, kiểm định trung bình cho mẫu cặp tiếp tục được thực hiện.
Kết quả từ kiểm định trung bình cho mẫu cặp trong Bảng 2 cho thấy rằng, đối với bài kiểm tra trước, tất cả các mức độ ngừng nói hơn 5 giây, lỗi phát âm, lặp lại từ, ngập ngừng hơn 3 giây, sử dụng tiếng mẹ đẻ và các cách diễn đạt khó hiểu đều giảm đáng kể vì trị số xác suất rất thấp, nằm trong khoảng từ 0,000 đến 0,001. Sự khác biệt cao nhất có thể được tìm thấy ở các chỉ số về sự lặp lại từ, tạm dừng và ngập ngừng khi nói. Sự khác biệt thấp nhất có thể được tìm thấy ở những số liệu của cách diễn đạt khó hiểu và sử dụng tiếng mẹ đẻ. Do đó, số liệu thống kê giữa bài kiểm tra trước và bài kiểm tra sau khác nhau đáng kể. Như vậy, kết quả cho thấy Flipgrid thực sự có tương quan thuận với trình độ trôi chảy của sinh viên khi nói tiếng Anh.
PHẠM THỊ PHƯỢNG