Tóm tắt: Trong tiếng Việt, động từ chỉ xúc giác không chỉ gọi tên những hoạt động liên quan đến đụng chạm có tính vật lý mà còn chuyển nghĩa vào các phạm vi khác như: trải nghiệm hay tương tác xã hội,… Bài viết này sẽ chỉ ra sự chuyển nghĩa của một số động từ chỉ xúc giác vào địa hạt tương tác xã hội. Vận dụng lý thuyết nghiệm thân để giải thích bằng cách nào và tại sao mà hai lĩnh vực vốn khác nhau - xúc giác có tính vật lý, cụ thể và tương tác xã hội có tính tinh thần, trừu tượng lại được kết nối với nhau.
Từ khóa: Động từ chỉ xúc giác, chuyển nghĩa, tương tác xã hội.
Abstract: In Vietnamese, the verbs of touch are used not only to refer to meanings related to the physical perception of the sense of touching, but also to express meanings related to other semantic fields, such as: experiences or social interactions, etc. The aim of article is, therefore, to find out which semantic changes in the verbs of touch are found in the domain of social interactions. The article applies the embodiment theory to explain how and why two different domains - physical, concrete touch and mental, abstract social interactions are connected together.
Key words: Verbs of touch, semantic change, social interactions.
1. Đặt vấn đề
Tại sao chạm, đụng,… có thể xuất hiện trong nhiều ngữ liệu mà ở đó không cần sự tham gia của các yếu tố liên quan đến bộ thụ cảm xúc giác như: tiếp xúc về da, tính chất bề mặt, kết cấu, nhiệt độ, chẳng hạn: Bài báo đã đụng đến những vấn đề rất nhạy cảm, chạm tới lòng trắc ẩn,… Các nghĩa phản ánh trong lối nói này được Từ điển tiếng Việt ghi nhận, cùng với đó, thực tiễn nghiên cứu ngữ nghĩa của động từ chỉ xúc giác đối với nhiều ngôn ngữ trên thế giới của Sweetser (1990), Ibarretxe-Antuñano (1999) và những kiểm nghiệm của Evans và Wilkins (2000) đã gợi mở cho chúng tôi cách tiếp cận động từ xúc giác trong tiếng Việt ở khả năng chuyển nghĩa (→) vào phạm vi tương tác xã hội.
2. Nội dung
2.1. Một số thuộc tính khoa học và cảm nhận của con người về xúc giác
Ở góc độ khoa học, để tri giác, chúng ta cần có hệ ngũ quan. Năm giác quan cung cấp cho chúng ta thông tin về thế giới, mỗi giác quan có một bộ thu nhận riêng: mắt, tai, da, mũi, lưỡi và có một lối dẫn riêng đến não. Một bộ thu phản ứng với những kích thích khác nhau: ánh sáng (mắt), sóng âm (tai), nhiệt độ, kết cấu bề mặt,… (xúc giác). Xúc giác có thể sở hữu những thuộc tính sau: [+nhận diện kích thích]; [-bên trong]; [+tiếp xúc gần]; [+tác động đến đối tượng tri giác]; [+chủ động].
Có thể thấy, xúc giác là những cảm giác có được khi con người đụng chạm, tiếp xúc bằng da (qua tay, chân,...), tức kích thích sẽ được nhận diện [+nhận diện kích thích]. Khác với khứu giác, [-nhận diện kích thích], chúng ta ngập chìm trong mùi hàng ngày, nhưng ít khi chú ý đến chúng, trừ những mùi có tính chất cảnh báo, mùi gợi nhắc ký ức hay mùi đặc biệt nào đó.
Sản phẩm nhận biết từ xúc giác là những ước lượng về cấu tạo bề mặt, trọng lượng, độ lớn, độ nóng của vật chất hay đối tượng qua tiếp xúc bằng da, qua các động tác như: sờ, nắn, đụng, chạm, nâng, cọ xát, ôm,... Do đó nó sở hữu thuộc tính [+tiếp xúc gần] (trong khi thị giác và thính giác lại [-tiếp xúc gần]).
Những nhận thức này được chuyển thẳng lên não và cho phép não đánh giá và xác định nhiệt độ, cảm giác đau đớn, nóng lạnh,… nghĩa là được xử lý ở [+bên trong] cơ thể. Ở góc độ khoa học, bất cứ hình thức tri giác nào cũng truyền tín hiệu và được xử lý ở não, xúc giác không ngoại lệ. Tuy nhiên, trong cảm nhận thông thường, con người có xu hướng “dồn hết trách nhiệm” cho những tiếp xúc bề mặt, ngoài da, vậy nên xúc giác sẽ được nhìn là [-bên trong] (không giống với thính giác (trong tai), vị giác (trong miệng, lưỡi), khứu giác (trong mũi).
Hoạt động của xúc giác có thể [+tác động đến đối tượng] thông qua hoạt động cụ thể như sờ, nắn, đụng, chạm,… dẫn đến thay đổi hình dạng, kết cấu, bề mặt của đối tượng và điều này có thể được kiểm soát bởi chủ thể tri giác, do đó nổi lên thuộc tính [+chủ động], trong khi khả năng này của thính giác hay khứu giác không được hoàn toàn (nửa chủ động, nửa bị động, chẳng hạn: ta có thể bịt tai để không nghe một kích thích nào đó, nhưng nếu tiếng ồn vượt ngưỡng, tính chủ động của chủ thể tri giác cũng không còn nữa).
2.2. Khái niệm động từ chỉ xúc giác và lý thuyết nghiệm thân
Động từ chỉ xúc giác là một trong 5 tiểu nhóm thuộc động từ tri giác (tiếng Anh: perception verbs, sense verbs, sensory verbs) gọi tên các hành động, quá trình, trạng thái liên quan đến tiếp xúc bằng da thông qua các hoạt động cụ thể, có thể kể đến như: sờ/rờ, nắn, đụng, chạm, va, cọ,…
Lý thuyết nghiệm thân (embodiment theory)
Từ cách tiếp cận của ngôn ngữ học tri nhận (NNHTN), các tác giả xem xét trở lại một số vấn đề truyền thống của ngôn ngữ học, trong đó có hiện tượng chuyển nghĩa, đa nghĩa với mô hình chuỗi nghĩa (meaning chains) của Taylor (dẫn theo Ibarretxe-Antuñano 1999), lý thuyết phạm trù toả tia (radical categories) và lý thuyết nghiệm thân (embodiment) của Lakoff và Johnson (1999).
Ở đây, chúng tôi chọn thuyết nghiệm thân để diễn giải cho sự chuyển nghĩa của một số động từ chỉ xúc giác trong tiếng Việt.
NNHTN chú trọng vào nghĩa, sự mở rộng, biến đổi nghĩa, chuyển nghĩa, mà gốc của các hiện tượng này chính là nghiệm thân. Nghiệm thân là quá trình con người lấy sự trải nghiệm của thân thể (con người sinh học) và trải nghiệm của thân thể trong tương tác với môi trường tự nhiên, xã hội - văn hóa để hình thành hệ thống ý niệm, tư duy và ngôn ngữ.
Nghiệm thân có thể coi là cơ sở để hình thành và phát triển nghĩa. Lakoff và Johnson (1999) cho rằng, hệ thống ý niệm của chúng ta nảy sinh từ những trải nghiệm thân thể. Cốt lõi của trải nghiệm này bắt nguồn trực tiếp từ tri giác, sự vận động của thân thể cùng những trải nghiệm xã hội.
Nghiệm thân sinh lý gắn liền với thân xác, dễ quan sát nhất là những trải nghiệm liên quan đến các bộ phận cơ thể của con người, ở đây, với xúc giác, chính là da - thực thể gần gũi, nơi thu nhận các kích thích bên ngoài, các trải nghiệm vật lý với các hoạt động cụ thể: sờ, chạm,…; từ đó sẽ khởi phát những ý niệm cụ thể: nóng, ấm, lạnh, mềm, sần sùi,… Tất cả đều có thể trở thành nguồn gốc kinh nghiệm để chủ thể tri nhận phóng chiếu những hiểu biết từ miền gốc tri giác, hữu hình qua những miền đích phức tạp hơn, trừu tượng hơn.
Nghiệm thân tự nhiên: nghiệm thân sinh lý không thể “ly khai” khỏi môi trường tự nhiên, mà đặt trong tương tác với môi trường này, với xúc giác chính là những kích thích liên quan đến nhiệt độ, bề mặt kết cấu,… Các kích thích này tác động và hình thành hệ thống kinh nghiệm ở con người.
Nghiệm thân xã hội: là sự tương tác với người khác, quan hệ này bị ràng buộc bởi tri thức nền, với niềm tin, với phong tục tập quán, được cộng đồng chia sẻ với nhau do có chung một nền văn hóa. Có thể kể đến các lẽ thường. Chúng len lỏi, chi phối nếp nghĩ của người Việt, trong đó có những lẽ thường liên quan xúc giác như: trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ,…
Có thể thấy nghiệm thân soi sáng đáng kể
cách thức mà các ý niệm cụ thể và các ý niệm trừu tượng liên quan với nhau như thế nào trong tư duy con người, giúp nhận diện, lý giải hiện tượng chuyển nghĩa của từ, trong đó có nhóm động từ chỉ xúc giác. Nhờ đó, chúng ta có thể quay ngược trở lại, để phục dựng lại chính cái quá trình tương tác ấy, diễn giải tại sao, và bằng cách nào lại có sự chuyển nghĩa như vậy, theo xu hướng như vậy.
2.3. Sự chuyển nghĩa của một số động từ chỉ xúc giác vào tương tác xã hội
Khảo sát lời giải nghĩa các động từ tri giác tiêu biểu trong 2 cuốn từ điển giải thích tiếng Việt [3], [5] và thực tiễn nói năng của người Việt, chúng tôi nhận thấy:
- Có 3/5 hình thức tri giác → tương tác xã hội, bao gồm: thị giác, thính giác và xúc giác, với 6 động từ có khả năng này, cụ thể: nhìn (với nghĩa thừa nhận), nghe (với nghĩa vâng lời), đụng, chạm, đụng chạm, va chạm.
- Riêng động từ chỉ xúc giác có 2 phạm vi chuyển nghĩa nổi lên:
→ phạm vi của trải nghiệm/kinh qua: trường hợp của vấp, va vấp, mò, mò mẫm, cọ xát (cùng với nếm của vị giác);
→ phạm vi của tương tác xã hội: trường hợp của đụng, chạm, đụng chạm, va chạm (cùng với nhìn của thị giác, nghe của thính giác).
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi quan tâm đến xu hướng chuyển nghĩa thứ 2 - chuyển vào địa hạt tương tác xã hội. Ngoài ra, so với các động từ thuộc các hình thức tri giác khác, khả năng này của động từ xúc giác cũng chiếm ưu thế hơn (chiếm 4/6 động từ tri giác, trong khi thị giác chỉ có nhìn và thính giác chỉ có nghe).
Chúng tôi tổng hợp nghĩa gốc, nghĩa phái sinh của các động từ xúc giác chuyển nghĩa theo hướng này (chỗ in đậm là sự khái quát của chúng tôi, hoặc là sự bổ khuyết để làm rõ nghĩa):
Chạm trong “chạm tới trái tim người đọc” (c) và chạm (a) - động đến cái mà người khác thấy phải giữ gìn, coi trọng hoặc động tới điểm xấu, thoạt nhìn qua, có cùng mô hình cú pháp: chạm + đến/tới/vào + khái niệm trừu tượng (nỗi đau, danh dự, tự ái,…). Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở trường hợp (a), sẽ không bao quát được trường hợp (c), vì (a) mang nét nghĩa tương tác tiêu cực, (c) mang nét nghĩa khơi gợi tình cảm tích cực. Theo chúng tôi, có thể cân nhắc để xử lý riêng, tách chúng thành hai. Khung cú pháp khác nhau thường là cơ sở để tách đa nghĩa, và ngược lại. Trên thực tế, nếu tuyệt đối hóa tiêu chí này, chúng ta sẽ không giải quyết được những trường hợp mà tính đa nghĩa rất rõ song lại có chung một hình thức ngữ pháp (như trường hợp của see - gặp gỡ và see - gặp để hỏi ý kiến chuyên môn trong tiếng Anh).
Về mặt phương pháp, chúng tôi lựa chọn cách tiếp cận của Traugott (1989): Thừa nhận vai trò của khung cú pháp như một cơ sở để tách đa nghĩa, “những cấu trúc khác nhau thường đi kèm với sự diễn dịch ngữ nghĩa khác nhau song điều này không đồng nghĩa với việc chỉ có một nghĩa ứng với mỗi hình thức ngữ pháp” [11, tr.37]. Có thể khái quát sự chuyển nghĩa của một số động từ chỉ xúc giác vào lĩnh vực tương tác xã hội qua bảng sau: (xem Bảng 2).
2.4. Cơ sở nghiệm thân cho sự chuyển nghĩa của động từ xúc giác vào phạm vi nghĩa tương tác xã hội
2.4.1. Từ phương diện khoa học
Một tương tác xã hội bằng hội thoại cơ bản, truyền thống, điển hình bao gồm sự hiện diện của các giác quan sau:
- Thị giác: hình thức giao tiếp mặt đối mặt, do đó, tương tác bằng thị giác là quan trọng. Nhìn, quan sát người đối thoại để điều chỉnh thái độ, hành vi, nội dung cuộc thoại.
- Thính giác: những người tham gia hội thoại không chỉ diễn ngôn mà còn lắng nghe nhau. Tùy theo tính chất, điều kiện khách quan và sự phát triển của công nghệ, một tương tác xã hội có thể làm nổi trội giác quan nào hơn, chẳng hạn, thay cho hội thoại mặt đối mặt truyền thống, một cuộc điện thoại lại phó thác hoàn toàn cho thính giác.
- Xúc giác: một tương tác xã hội tốt hơn hay xấu đi, ngoài vai trò của thị giác và thính giác, có thể bắt đầu, diễn tiến và kết thúc với những tương tác vật lý: cái bắt tay nồng nhiệt, sự đụng chạm cố ý để “bật đèn xanh” cho một mối quan hệ nào đó, nhưng cũng có thể đụng chạm vì mâu thuẫn, ẩu đả,... Đây là cơ sở cho những chuyển nghĩa của động từ chỉ xúc giác sang tương tác xã hội tiêu cực - nghĩa gây hấn của đụng, chạm, đụng chạm, va chạm ít nhiều phản ánh cơ sở nghiệm thân này. Ví dụ: Chạm nọc rồi hả?; Bài báo đã đụng đến những vấn đề nhạy cảm; Hai bên nhiều lần va chạm nhau;…
Đặt ra giả dụ, nếu công nghệ truyền tin qua chiếc điện thoại có trước thay vì đối thoại kiểu mặt đối mặt, có lẽ xúc giác (và thị giác) đã không có nhiều vai trò như nó đang có, và cũng giảm thiểu những ẩn dụ/hoán dụ liên quan đến xúc giác như: chạm mặt, chạm trán (với nghĩa gặp gỡ, tương tác xã hội tiêu cực).
Về mặt vật lý, xúc giác được đặc trưng bởi các thuộc tính như: bề mặt, kết cấu, nhiệt độ,…
- Yếu tố bề mặt, kết cấu: khi chạm vào một kết cấu trơn tru sẽ cho chúng ta cảm giác dễ chịu (vậy nên người ta ví von: mềm như lụa); ngược lại, chạm vào vật xù xì, thô ráp, khiến chúng ta khó chịu, từ đó có những tương đồng trong cách chúng ta cảm nhận về thế giới vô hình (thông qua thế giới hữu hình), áp lên thế giới vô hình khối từ vựng của thế giới hữu hình. Chẳng hạn: Cô ấy là một người mềm dẻo, mềm mỏng/cứng rắn, cứng cỏi, cứng nhắc,... Hiển nhiên, trải nghiệm của con người với các kết cấu hữu hình tác động đến cách con người nhận thức về các yếu tố vô hình.
- Yếu tố nhiệt độ: yếu tố này vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, len lỏi tác động đến chúng ta qua thời tiết, thức ăn, sức khỏe và từ đó ảnh hưởng đến tâm lý - tình cảm con người rất rõ. Một cơn giận (tình cảm) khiến cơ thể tăng nhiệt độ, nỗi sợ (tình cảm) khiến da tái, thân nhiệt hạ,...
Từ những cảm nhận trực tiếp: một bờ vai ấm, bàn tay ấm/lạnh, cơ thể con người lúc sốt/hạ nhiệt độ,… đến những ẩn dụ liên quan đến tương tác xã hội, cụ thể là những đánh giá về tình cảm con người: ánh nhìn ấm áp; ánh nhìn sắc lạnh; một người nhiệt tình, nhiệt huyết; con người ấm áp;… đều bắt nguồn từ khả năng con người nghiệm thân. Điều này góp phần chứng minh cho nhận định: Hoạt động xúc giác là nguồn sản sinh cho những lối nói liên quan đến tương tác xã hội.
Do đó, không chỉ các tính từ liên quan đến xúc giác mới ẩn dụ cho những ứng xử liên quan đến tương tác xã hội, mà các động từ như chạm, đụng chạm,… cũng thường kết nối đến những nghĩa liên quan đến tương tác xã hội (khơi gợi tình cảm, nỗi đau, tác động đến thể diện, lòng tự trọng, hệ quan điểm, gây hấn, khiêu khích, đối đầu, mâu thuẫn,…).
2.4.2. Phương diện văn hóa - xã hội
Có những bằng chứng văn hoá - xã hội cho mối tương liên giữa yếu tố kết cấu (thuộc về xúc giác) với những tương tác xã hội. Ackeman, Nocera và Bargh (2010), Achaefer (2018) (dẫn theo Speed và Majid 2019) cho rằng: “Khi gán tội cho nghi phạm, hay khi thương thảo các vấn đề quan trọng, người ta thường ngồi ở ghế cứng, thay vì mềm, điều này có thêm một cơ sở để giải thích cho quan điểm của người tham gia thương thảo - họ như vạch ra một đường giới dứt khoát, rành mạch (hard line) để bảo vệ quan điểm, nếu với tội phạm thì như một biểu hiện của thái độ cứng rắn, không khoan nhượng trước tội phạm (being hard on crime)” [9, tr.7].
Từ cơ sở khoa học, văn hóa - xã hội, như đã nói ở trên, chúng ta thấy rằng, có những mối tương liên giữa những biểu hiện tình cảm với những yếu tố thuộc về xúc giác. Cụ thể là, yếu tố tình cảm vốn “dương tính” với thuộc tính [+giàu cảm xúc], [+phản ứng nhanh với kích thích] (như trong cách nói: mau nước mắt, xúc động, nhạy cảm,…), điều này dễ tìm thấy sự tương đồng với xúc giác bởi xúc giác cũng cực kì “nhạy” với các kích thích vật lý, như khi bị kiến bò, tóc chạm vào da, tay để gần lửa,… Cơ sở nghiệm thân này có xu hướng “dẫn dắt” động từ xúc giác → tương tác xã hội như:
+ Khơi gợi nỗi đau. Ví dụ: chạm nỗi đau;…
+ Ảnh hưởng thể diện, lòng tự trọng, sự tự ái. Ví dụ: chạm tự ái;…
+ Kích thích tình cảm, lòng thương. Ví dụ: chạm đến trái tim; Khi cái tâm của người làm báo chạm tới lòng trắc ẩn;…
+ Tương tác quan điểm xã hội. Ví dụ: Bài báo đã đụng đến vấn đề nhạy cảm; Vụ đối đầu, mà ông Putin gọi là một “cú đâm sau lưng nguy hiểm”, là biểu hiện của những va chạm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria;…
Như vậy, “chạm, đụng, va chạm, đụng chạm” từ tác động vật lý → tác động về mặt tinh thần (tình cảm, thể diện, ý chí,…), đây là kiểu ẩn dụ với miền nguồn có tính vật lý, cụ thể, miền đích là trừu tượng, có tính tinh thần.
Trong nghiên cứu của Ibarretxe-Antuñano (1999) và của chúng tôi [1], xúc giác được xem là những giác quan sở hữu thuộc tính: [+tiếp xúc gần] (proximal sense) với kích thích, trong khi thị giác và thính giác lại giữ [+khoảng cách/xa] (distal sense) với kích thích. Thuộc tính [+tiếp xúc gần] với kích thích của xúc giác dễ kích hoạt những nghĩa liên quan đến tình cảm, bởi tình cảm thường gắn liền với tính chủ quan, gần gũi, thân mật, tiếp xúc, những lối nói như: Bài thơ đã chạm tới trái tim người đọc; Anh em chúng tôi luôn chứng kiến cảnh này mà chạm lòng trắc ẩn; chạm tự ái;… Trong khi đó, thuộc tính [+khoảng cách xa] tức [-tiếp xúc gần] của hoạt động thị giác và thính giác dễ dẫn từ vựng của hai giác quan này nối kết đến trường nghĩa nhận thức, khách quan, trừu tượng (khả năng chuyển nghĩa vào nhận thức của thấy, nghe, xem, coi,…) [1].
3. Kết luận
Sự chuyển nghĩa của một số động từ chỉ xúc giác vào phạm vi tương tác xã hội, theo ngữ nghĩa học truyền thống là sự chuyển trường, theo quan điểm của ngữ nghĩa tri nhận là sự chuyển dịch ý niệm từ tri giác, cụ thể → tinh thần, trừu tượng và sự chuyển dịch này bề mặt là ngôn ngữ, nhưng bề sâu là những liên kết ý niệm thuộc về tinh thần, có thể giải thích được về mặt tri nhận.
Sự chuyển nghĩa này thuộc về xu hướng chuyển nghĩa theo lối ẩn dụ từ cụ thể → trừu tượng. Cụ thể là bởi xúc giác được tiến hành nhờ vào các hoạt động có tính vật lý, sản phẩm thu được là những kích thích bên ngoài có tính vật chất. Trừu tượng là bởi tương tác xã hội thuộc về thế giới tinh thần vô hình, bên trong, thể hiện ứng xử, tình cảm của con người thông qua tương tác tích cực, tiêu cực liên quan đến quyền lợi, thể diện, quan điểm, hệ tư tưởng,...
Những thuộc tính vật lý và sinh học của xúc giác, cũng như cách chúng ta nghĩ về các hoạt động này, là cơ sở để góp phần giải thích cho khả năng chuyển nghĩa của đụng, chạm, va chạm, từ miền tri giác xúc giác → miền tương tác xã hội, bởi cách chúng ta trải nghiệm, nhận thức và tương tác với thế giới xung quanh ắt được phản ánh trong vốn từ vựng của chúng ta.
(*) Xem thêm Wierzbicka Anna (1998).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Thị Thu Hà, Sự chuyển di của động từ tri giác “thấy” sang địa hạt động từ nhận thức, Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 4, 2014.
[2] Lakoff, G. and Mark Johnson, Nguyễn Thị Kiều Thu (dịch), Chúng ta sống bằng ẩn dụ (Metaphors We live by), Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2017.
[3] Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2011.
[4] Trịnh Sâm, Lý thuyết nghiệm thân nhìn từ thực tiễn tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, tr. 24-38, 2019.
[5] Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1999.
[6] Evans, Nicholas and David Wilkins, In the mind’s ear: The semantic extensions of perception verbs in Australian languages, Journal of Language, Vol. 76, No. 3 (September), pp.546-592, 2000.
[7] Ibarretxe-Antuñano, B. I., Polysemy and Metaphor in Perception verbs: A cross-linguistic study, PhD Dissertation, University of Edinburgh, 1999.
[
NGUYỄN THỊ THU HÀ