Tóm tắt: Vấn đề truyền thông bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng giúp phát triển ổn định và an sinh đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Qua khảo sát thực trạng tiếng Jrai, chúng tôi nhận thấy một số phương tiện truyền thông như sách báo in, báo mạng, báo điện tử và trang mạng xã hội bằng tiếng Jrai đã có vai trò quan trọng và góp phần truyền thông bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Từ khóa: Truyền thông bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số, loại hình truyền thông xã hội, ngôn ngữ Jrai, dân tộc thiểu số.
Abstract: Communication in ethnic minority languages plays an important role in the stable development and security of ethnic minorities’ lives. Through surveying the current situation of the Jrai language, we have found that a number of media such as printed books, online and electronic newspapers, and social networking sites in Jrai language have played an important role and contributed to the communication in ethnic minority languages in Vietnam.
Keywords: Communication in ethnic minority languages, types of social media, Jrai language, ethnic minorities.
1. Đặt vấn đề
Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nơi giao lưu của các nền văn hóa trong khu vực. Ở đây có đủ các ngữ hệ lớn trong khu vực Đông Nam Á như ngữ hệ Nam Đảo, ngữ hệ Hán - Tạng. Tiếng Jrai thuộc ngôn ngữ Nam Đảo, gồm: Jrai, Ê-đê, Chăm, Ra-glai, Chu-ru. Ở Gia Lai, tiếng Jrai được coi như “ngôn ngữ phổ thông vùng” và có vị trí quan trọng (sau tiếng Kinh) trong giao tiếp giữa các dân tộc ở trong tỉnh. Tiếng Jrai gồm 5 phương ngữ: Jrai Chor (Cheoreo), Jrai Hơdrung (Drông, Grông), Jrai Tơbuăn, Jrai Mơthur và Jrai Arap. Tiếng Jrai thuộc nhóm ngôn ngữ đơn lập, không thanh điệu, đa tiết và là ngôn ngữ có nhiều phụ âm và tổ hợp phụ âm. Tiếng Jrai có hình thức đơn tiết hoặc đa tiết, gồm một âm tiết chính và có một, hai hoặc ba tiền âm tiết ở phía trước. Bên cạnh các từ có hình thức đơn tiết, còn thường gặp các từ có hình thức đa tiết (gồm một tiền âm tiết và một âm tiết chính - âm tiết mang trọng âm). Hệ thống nguyên âm có sự đối lập đều đặn theo tiêu chí dài/ngắn. Tiếng Jrai có hai loại từ: đơn và phức.
Hiện nay, truyền thông bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số (DTTS) được thực hiện chủ yếu ở 2 loại hình: phát thanh và truyền hình. Ngoài ra, một số loại hình truyền thông khác như: báo in, sách in, báo mạng điện tử, cổng thông tin điện tử (trang thông tin điện tử trên Internet), mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube) và truyền thông trực tiếp,… cũng có vai trò quan trọng đối với đồng bào DTTS. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn phác thảo việc sử dụng ngôn ngữ Jrai trên các loại hình truyền thông như: sách, báo in, báo điện tử và mạng Internet. Qua đó cho thấy vai trò của truyền thông tiếng Jrai đối với đồng bào Jrai ở Việt Nam.
2. Thực trạng sử dụng ngôn ngữ Jrai trên các báo in, báo điện tử và các trang mạng xã hội
2.1. Sách, báo in
Báo in, đặc biệt là báo ảnh, báo dành cho đồng bào dân tộc và miền núi là những ấn phẩm cùng với các phương tiện truyền thông khác đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đồng bào Jrai nói riêng và cư dân các DTTS ở vùng sâu, vùng xa nói chung. Báo in không chỉ là món ăn tinh thần của người Jrai mà còn góp phần bảo tồn, phát huy vai trò, bản sắc của ngôn ngữ này. Cũng thông qua loại hình này mà đã có không ít cán bộ, công chức người Jrai và các dân tộc khác có thể học và hiểu hơn về tiếng Jrai, phục vụ cho công tác hòa nhập quần chúng.
* Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (tiếng Jrai)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (tiếng Jrai) do Thông tấn xã Việt Nam phát hành từ năm 2018. Ngay ở trang Mục lục - Hơdrek, có dòng chữ in đậm màu đỏ: “Ấn phẩm này rất cần chuyển đến tay người dân các dân tộc miền núi cùng xem”. Đây chính là thông tin cho thấy định hướng cụ thể và mục tiêu hướng đến đối tượng thụ hưởng trực tiếp là đồng bào DTTS và miền núi. Các tiêu mục chính trên Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (tiếng Jrai) và cách thức sử dụng ngôn ngữ trên báo in được thể hiện như sau: sử dụng chủ yếu các ngôn ngữ chính luận, các từ ngữ về các vấn đề chính trị, quốc hội, chính sách của chính phủ,... Chẳng hạn:
Chuyên mục Sự kiện và vấn đề - Tơlơi bruă hang bôh tơlơi yôm phan: cấu trúc câu chủ yếu là loại câu khẳng định. Ví dụ: Cần tích hợp các chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Brơi bơkơnar dum chĩnh săch kơ kyar đĩ gơnăm tăm - rơnuk rơnai kual djuai ania axet hang gah chữ (tác giả: Hoàng Tâm, Anh Đào, Lê Anh; số tháng 11/2018);...
Chuyên mục Phóng sự chuyên đề - Rup pơhing tơlơi bruă: từ ngữ thông dụng và chuyên ngành về các vấn đề của thực tế đời sống, phát triển cuộc sống của bà con, thông tin dài có tính chuyên sâu, câu miêu tả được sử dụng nhiều. Ví dụ: Tháng 8 về ATK Định Hoá - Blan 8 kơ bruă tâo klă kual Định Hoá (số tháng 8/2019);...
Chuyên mục Kinh tế - Xã hội - Gơnăm tăm - Rơnuk rơnai: các thông tin về phát triển kinh tế, xã hội trong cả nước; là những phóng sự chuyên sâu về vấn đề phát triển kinh tế của bà con. Ví dụ: Cưpơng mùa hoa nở - Cưpơng yua bơng chuh (số tháng 8/2018);…
Chuyên mục Xoá đói giảm nghèo - Lom rơmon plai bbiă rin: sử dụng ngôn ngữ phản ánh vấn đề về các hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Ví dụ: Đan cỏ bàng - nghề giúp nhiều hộ Khmer thoát nghèo (số tháng 8/2018);…
Chuyên mục Văn hóa - Gru hiăm: các bản sắc văn hóa của các DTTS ở Việt Nam, ngôn ngữ sử dụng chủ yếu là những từ ngữ về văn hóa. Ví dụ: Tuần lễ du lịch văn hóa Bắc Hà năm 2018: “Sắc màu cao nguyên trắng” (số tháng 6/2018);…
Chuyên mục Đất nước qua ảnh - Lon ia mưng rup: chủ yếu là hình ảnh về những điểm đẹp, ý nghĩa của đất nước. Thông tin rất ngắn gọn.
Chuyên mục Y tế - Giáo dục - Pơjrao ruă - Pơtô pơj wăt: phản ánh các vấn đề chăm sóc sức khỏe y tế của đồng bào miền núi. Ví dụ: Sơn La rơnăk nai bruă ngã bbao hiểm ia jrao kơ chơđai hrăm (số tháng 3/2018);…
Chuyên mục Gương sáng soi chung - Mơnil rơđah pơchram hrom: Phản ánh những vấn đề về cá nhân gương mẫu, tiêu biểu trong làm kinh tế, trong lối sống,... Ví dụ: Ông Pò Dần Sinh - tấm gương làm kinh tế giỏi - Ơi Pò Dần Sinh mơnuih klă bơwih bbong rơgơi (số tháng 8/2018);…
Chuyên mục Kinh nghiệm nhà nông - Bruă thâo mưng mơnuih ngă hma: đề cập đến các vấn đề phát triển nghề ở nông thôn, các kỹ thuật hiện đại được áp dụng nhằm cải thiện năng suất lao động của bà con. Ví dụ: Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng thỏ sinh sản - Kỹ thuật rơnăk wai, rông pơjing pai tuh ană (số tháng 11/2019);....
Với các chuyên mục bao quát các vấn đề cơ bản của đời sống, xã hội ở Việt Nam, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (tiếng Jrai) phản ánh nguồn thông tin đa dạng, phong phú, ngôn ngữ được sử dụng chủ yếu là những từ ngữ khoa học, chuyên ngành. Cấu trúc câu chủ yếu là câu khẳng định, miêu tả. Loại câu nghi vấn, đối thoại sử dụng ít. Do chủ yếu là các tin, bài minh họa trực tiếp cho các hình ảnh nên loại cấu trúc câu như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, việc sử dụng nguyên bản các từ tiếng Việt có nguồn gốc Hán Việt ở các bài báo có sự khác nhau. Do trình độ, khả năng và quan niệm của người dịch nên có bài giữ nguyên một số từ Hán Việt (ví dụ: Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng thỏ sinh sản - Kỹ thuật rơnăk wai, rông pơjing pai tuh ană (số tháng 11/2019)), nhưng có những bài lại dịch sang tiếng Jrai cả cụm từ Hán Việt (ví dụ: Kỹ thuật trồng rau thủy canh tuần hoàn - Hơdră thâo pla anham amăng ia dar win (số tháng 8/2018)). Điều này cho thấy cách sử dụng một số từ khoa học, thuật ngữ chuyên ngành chưa có sự thống nhất.
* Báo Gia Lai - Báo ảnh phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số
Báo Gia Lai - Báo ảnh phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số do tỉnh Gia Lai phát hành từ năm 2018. Ngôn ngữ sử dụng trên Báo này được trình bày ngắn gọn, rõ ràng. Chẳng hạn trong mục Đất nước qua ảnh, Báo ra ngày 12.3.2018 đã có bài Đầm Ô Loan giới thiệu về một điểm du lịch nổi tiếng của Phú Yên, phần tiếng Jrai Báo viết: “Đầm Ô Loan lẻ anih anom chuă ngui hmữ hing pơ Phú Yên. Ia bbơi bơnữ lẽ ia tơba anun dum hnư gơnăm amang ia, hơdang akăn hmâo anỗ jơmăn hơchô hơjan. Rai pơ anai gơyut amra dui mâo đĩ song dlăng anih anom bơnữ hang bbong dum gơnăm bbong mâo pơkra ngã mưng bbrang, achung, areng pơ prong, hơdang, akăn mũ... mơtah jơmăn” (bản tiếng Việt: “Đầm Ô Loan là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Phú Yên. Nước tại đầm là nước lợ nên các loại thủy, hải sản có vị ngon đặc biệt. Tới đây bạn sẽ được đi thuyền ngắm cảnh quanh đầm và thưởng thức món ăn được chế biến từ sò huyết, hàu, cua huỳnh đế, rắn, cá mú... tươi ngon”). Phần thông tin ở đây rất ngắn gọn, các địa danh giữ nguyên tên còn tất cả các từ ngữ khác đều được chuyển tự sang ngôn ngữ Jrai. Điều này cho thấy phần biên dịch khá tốt, không có từ vay mượn, thuần ngôn ngữ Jrai.
Ở một số tin bài khác, nhiều từ khoa học hoặc từ Hán Việt vẫn được dịch sang ngôn ngữ Jrai tương đương, tạo nên sự dễ hiểu, gần gũi cho bà con khi tiếp nhận ngôn ngữ trên Báo này. Chẳng hạn mục Bạn với an toàn giao thông trên số ra ngày 19.3.2018 có tin bài và ảnh: Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, trong đó nhiều từ và cụm từ như: “Ban An toàn Giao thông Tỉnh”, “tai nạn giao thông”,... đều được dịch sang ngôn ngữ Jrai tương đương:
+ Tiếng Việt: “Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông Tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp”.
+ Tiếng Jrai: “Tui lăi pơthaâo mơng Khul Wai dlăng Jơlan rô char, mưng blung thũn truh pơ anai, hing hang pơjrom pơtlă rơdêh amang jơlan rô amang anih plơi mâo bbuh tơnăp tăp biă mă”.
Một số từ Hán Việt chỉ các chuyên ngành như: đầu tư, xây dựng, hạng mục công trình giao thông,... đều được dịch sang tiếng Jrai là: duh plin, pơkra ngă, mơta bruă anih bruă jơlan rô,… (Bài: Đầu tư hơn 283,87 tỷ đồng xây dựng công trình giao thông, số ra ngày 12.3.2018). Một số từ chỉ chức vụ, đoàn thể cũng đều được dịch sang chữ Jrai chứ không để nguyên như: Thường trực tỉnh ủy - Khul grong bruă Kơnong gip gai char, Sở Kế hoạch và Đầu tư - Kơnong bruă Mơnach hang Tuh, Bí thư tỉnh ủy - Khua git gai char, Hội đồng Khoa học và Công nghệ - Khul bruă Thâo kơhnâo hang Rơgơi, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội - Kơnong bruă Bowih bruă, Tơhan rơka hang Khul mơnuih,... (số ra ngày 26.3.2018). Điều này tạo cho người đọc có thể hiểu đúng nghĩa và nắm được vấn đề cụ thể hơn qua ngôn ngữ Jrai. Từ đó bảo tồn được vốn ngôn ngữ Jrai, không bị pha tạp, biến đổi.
Đây có thể coi là điểm ưu việt của báo in bằng tiếng Jrai so với kênh truyền thông bằng tiếng Jrai khác. Chẳng hạn như một số đài phát thanh truyền hình (PTTH) thường để nguyên tiếng Việt và không dịch sang tiếng Jrai đối với hệ thống từ ngữ chỉ các chức vụ hoặc từ chuyên ngành khoa học.
Có thể thấy, những thông tin trên báo ảnh sử dụng tiếng Jrai khá phong phú và hấp dẫn với bà con. Các tin bài thường ngắn gọn và có tính chất thời sự. Tin ít nhất có nội dung khoảng 25-30 chữ/1 tin bài (như các mục: Con số kì này; Các cộng đồng dân tộc Việt Nam; Đất nước qua ảnh;... trên báo Gia Lai - báo ảnh phục vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Bài nhiều nhất có nội dung khoảng 120-130 chữ/bài chủ yếu tập trung ở nhóm bài tin tức, thời sự đất nước ở các phóng sự, chuyên đề,... Chính vì vậy nên nội dung chuyển tải có tính chất chuyên sâu không có. Bên cạnh đó, số người đọc được ngôn ngữ này không nhiều. Khả năng tiếp cận cũng không phổ biến nên hiệu quả truyền thông của báo in chưa cao như một số loại hình truyền thông khác.
Một số sách bằng tiếng Jrai đã được xuất bản như: Từ điển phương ngữ Jrai - Việt do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai xuất bản; Câu đố Jrai (Nxb. Đà Nẵng, 2008); Từ điển Việt - Jrai (Nxb. Khoa học xã hội, 2012); Từ điển Jrai - Việt (Nxb. Giáo dục, 2005); Đoàn kết xây dựng Tây Nguyên giàu đẹp (Ban Tuyên giáo Trung ương, 2013); Từ điển Việt - Jrai của Rơmah Del được xuất bản từ năm 1977 (Nxb. Khoa học xã hội), tái bản năm 1995 (Nxb. Văn hoá Dân tộc);... Ngoài ra còn có tài liệu Hơdrôm hră hrăm tơlơi Jrai - Tài liệu học tiếng Jrai (Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai xuất bản năm 2014) [1],... Đa số ngôn ngữ Jrai được sử dụng ở đây mang tính học thuật, chuẩn theo ngữ pháp tiếng Jrai đã được xây dựng từ trước năm 1945 và năm 1981.
Ngoài ra, một số sách có tính chất truyện tranh làm tài liệu đọc và học tiếng Jrai cho trẻ em tiểu học thì cách sử dụng ngôn ngữ ngắn gọn, dễ hiểu. Chẳng hạn trong truyện tranh Ană kuih hyu tơnha (Chuột con tò mò), vốn từ được sử dụng gần gũi, phù hợp với trẻ em mới làm quen với chữ viết Jrai. Cấu trúc ngữ pháp chủ yếu là câu đơn. Câu nghi vấn sử dụng ở dạng đơn giản. Ví dụ: Ană Kuih hyu tơnha - Chuột con tò mò; Bơp Tơpai kõ, Tơpai lăi: “Mơnơng bbơng kâo amuaih biă mă lẽ ka rôt” - Khi gặp thỏ trắng, thỏ nói: “Món ăn yêu thích của tôi là cà rốt”;...
Đây là ngôn ngữ Jrai Hơdrung nên có một số điểm khác với ngôn ngữ Jrai Chor vốn đang được các đài PTTH sử dụng và các tài liệu học tiếng Jrai biên soạn. Chẳng hạn, về từ vựng có điểm khác: cùng chỉ con thỏ nhưng tiếng Jrai Hơdrung ghi là tơpai, trong khi đó tiếng Jrai Chor lại ghi kơpai; hay con trâu cũng vậy, tiếng Jrai Hơdrung là bao, Jrai Chor lại ghi là kơbao;... Về cấu trúc câu nghi vấn cũng có điểm khác, Jrai Hơdrung khi hỏi Anh thích ăn gì? thì sử dụng cấu trúc Ih amuaih bbơng hơget?, tiếng Jrai Chor lại dùng mẫu câu Hơget amuaih bbơng it? Điều này cho thấy, về mặt ngữ pháp, tiếng Jrai Hơdrung có cấu trúc ngữ pháp gần giống với tiếng Việt, mẫu câu tiếng Việt thế nào thì dịch sang tiếng Jrai tương tự, do đó đại từ “Ih” (anh) đã được đặt ở đầu câu. Trong cuốn sách biên soạn dành cho trẻ em Jrai vùng Hơdrung, các tác giả đã sử dụng ngôn ngữ Jrai của vùng này để viết sách.
Thực tế này cho thấy, vấn đề phương ngữ vẫn là một vấn đề cần chú ý trong việc dạy tiếng Jrai. Đặc biệt là cần có sự thống nhất về cách sử dụng ngôn ngữ nói và viết để tạo ra chữ viết thống nhất sử dụng trong tiếng Jrai. Như vậy mới đảm bảo sự thống nhất trong việc triển khai học tiếng Jrai ở các cấp học ở những vùng có đông đồng bào Jrai sinh sống.
2.2. Báo điện tử và các trang mạng xã hội
* Báo điện tử trực tuyến Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (tiếng Jrai)
Báo điện tử trực tuyến Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (tiếng Jrai) được phát hành từ năm 2013 đến nay là phiên bản của báo in Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (tiếng Jrai). Chính vì vậy, một số đặc điểm ngôn ngữ sử dụng trên báo đã được chúng tôi phân tích và đánh giá ở phần trên. Tuy nhiên, ở phiên bản trực tuyến, chúng tôi thấy vấn đề phông chữ cần phải được chú trọng, bởi khi đưa lên trang mạng xã hội, một số bài báo đã bị lỗi phông chữ tiếng Jrai, nhất là phần nội dung tin bài, khiến cho người đọc không thể đọc được bằng tiếng Jrai. Cần phải khắc phục nhược điểm này để bạn đọc tiếng Jrai có thể tiếp cận báo một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Hiện nay, mặc dù có trang web của các đài PTTH có đưa chương trình tiếng Jrai lên mạng nhưng là các chương trình đã phát trên sóng phát thanh và truyền hình của các đài, và là những tệp âm thanh hoặc hình ảnh. Hiện nay chỉ có duy nhất trang web của Đài Tiếng nói Việt Nam VOV4, Cơ quan Thường trú khu vực Tây Nguyên có sử dụng ngôn ngữ Jrai khi tóm tắt các nội dung chính của các tin bài và các nội dung tin, bài đã phát trên kênh VOV4 Tây Nguyên [2].
Ngôn ngữ Jrai được sử dụng ở các tiêu đề khá đa dạng, đảm bảo được ý nghĩa và phù hợp với văn cảnh sử dụng, đúng phong cách khoa học. Chẳng hạn, tên một số chuyên mục được dịch sát với nghĩa gốc của tiếng Jrai, như: Sức khỏe - Tơlơi suaih pral; Phát thanh - Pôr hiăp;... Tuy nhiên, một số cụm từ đã được dịch theo nghĩa hiểu để phù hợp với nghĩa tiếng Việt tương đương, chẳng hạn như Nhà nông - Bruă mơbuih ngă hmua (nghĩa gốc: nghề làm nông nghiệp). Hoặc cũng có một số ít trường hợp được dịch theo nghĩa hiểu phái sinh chứ không phải nghĩa gốc để biểu đạt đúng ý nghĩa của cụm từ tiếng Việt thay thế, ví dụ: Văn hóa được dịch là Gru grua thâo thăi (gồm 2 cụm từ: Gru grua nghĩa là truyền thống và thâo thăi là hiểu biết, giỏi giang về trình độ, kiến thức hoặc kinh nghiệm). Trong khi đó, mục Văn hóa ở báo điện tử trực tuyến Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (tiếng Jrai) lại dịch từ cụm từ chỉ trình độ văn hóa nói chung là Gru hiăm. Nếu dịch như vậy, bản chất của từ văn hóa chưa được hiểu đúng và hiểu hết. Điều này cho thấy cách sử dụng ngôn ngữ còn nhiều điểm chưa thống nhất. Nếu dịch chuyển tự theo kiểu 1 đối 1 thì nhiều nét nghĩa của từ không được hiểu hết hoặc hiểu không chính xác khi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Jrai.
Các video, clip về ca nhạc, dân ca tiếng Jrai cũng được xây dựng trên các trang mạng xã hội YouTube, Facebook,... và đã được đông đảo khán thính giả người Jrai yêu thích theo dõi. Chẳng hạn như các tài khoản YouTube: Siu Lan [3], CHĂNtv [4], RUPtv [5], [6] phát hành một loạt bài dân ca Jrai. Đặc biệt, tài khoản YouTube Siu Lan [3] phát hành các video dân ca Jrai được thực hiện từ chính những nghệ nhân người Jrai với những làn điệu truyền thống giàu bản sắc văn hóa; tài khoản YouTube CHĂNtv [4] phát hành các bài dân ca Jrai nói chung và dân ca Jrai ở các vùng nói riêng như: Tơ lơi adoh Jrai iâu tui ad rơ đông kpachan; Tơ lơi adoh Jrai mưng chring Chư Pưh Tỉnh Gia Lai;… Bên cạnh đó còn có những bài dân ca, bài hát theo hình thức karaoke có cả lời và chữ Jrai [7], điều này đã được rất nhiều bạn trẻ người Jrai yêu thích.
Giới trẻ Jrai vẫn rất yêu thích các điệu dân ca Jrai truyền thống, đặc biệt là các làn điệu được trình bày theo lời cổ, được chính các nghệ nhân và người già trình bày một cách nghiệp dư. Dấu ấn sâu đậm của dân ca Jrai truyền thống là âm điệu nhịp nhàng du dương như lời kể thủ thỉ về cuộc sống, con người, nếp sống, sinh hoạt của những con người bình dị và những mùa rẫy no ấm; giai điệu của dân ca Jrai thường nồng nàn, mạnh mẽ, sâu đậm, thiết tha, vui buồn tột cùng, dễ đi sâu vào lòng người. Các video ca nhạc dân ca Jrai không chỉ là nơi lưu giữ văn hóa và hồn cốt của dân tộc Jrai mà đó còn là diễn đàn cho các bạn trẻ trao đổi bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Ngoài ra, ngôn ngữ Jrai cũng được dùng khá phổ biến trên các trang Facebook và Zalo cá nhân của người Jrai. Chúng ta có thể tìm thấy các tương tác sử dụng chữ Jrai qua các lời bình luận của các cá nhân khi bình luận hoặc nhận xét về một hình ảnh hay video của bạn bè đăng tải trên Facebook và Zalo.
Do tốc độ phát triển của Internet, điện thoại di động được sử dụng nhiều nên giới trẻ người DTTS cũng sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình trong giao tiếp, trao đổi thông tin. Ngôn ngữ Jrai đã xuất hiện trên các trang Zalo, YouTube, Facebook nhưng chủ yếu với góc độ cá nhân, khi trao đổi với người đồng tộc. Đa số đối tượng sử dụng mạng xã hội bằng tiếng Jrai chủ yếu là người trẻ, thế hệ 8X, 9X. Họ là những công chức, trí thức người Jrai như giáo viên, phóng viên, biên tập viên, người biên tập sách, báo, sinh viên, học sinh hoặc những nghệ nhân đam mê với vốn văn hóa của dân tộc mình,… Số lượng này cũng chỉ là nhóm nhỏ so với tổng số dân Jrai.
Về ngôn ngữ sử dụng trên Facebook chủ yếu là những từ ngữ gần gũi, thậm chí suồng sã, thân mật. Chẳng hạn khi xem một video về dân ca Jrai, một số cá nhân là người Jrai đã bày tỏ những nhận xét cá nhân của mình trên Facebook bằng tiếng Jrai như: Facebook JRAI SIU CHANNEL viết: “Adoh mo ak doi”; Facebook Djar 81 rocham viết: “Neh suai yol mơ ak yơh”; hoặc bằng cả hai ngôn ngữ: tiếng Jrai và tiếng Việt như Facebook Uypuih Vlogs viết: “Adoh mo ak jak boni ih siu lan… chia sẻ những video nhạc Jrai rất hay”;...
Ngôn từ dùng trong những bình luận trên Facebook như này thường thể hiện ngôn ngữ nói, dùng những từ thông dụng, từ ngữ đã được tỉnh lược hơn, không giống với ngôn ngữ viết. Chẳng hạn, trong bình luận “Adoh mo ak jak boni ih siu lan”, cụm từ “boni ih” (Cảm ơn anh/chị) bao giờ trong ngôn ngữ viết cũng phải có phụ tố “kơ” đi kèm, là “boni kơ ih” (Cảm ơn anh/chị) mới chính xác. Nhưng ở đây, người viết đã tỉnh lược phụ tố “kơ”. Điều này chúng ta thường thấy trong ngôn ngữ nói hoặc giao tiếp trên mạng để cho ngắn gọn hơn nhưng người đọc vẫn hiểu ý. Tương tự như vậy, lời bình luận của Chăn Kpă cũng không có phụ tố “kơ” cho từ “bơni”: “Kâo boni bih bang bing ta, gum djru nao rai, Cảm ơn mọi người và hãy ủng hộ cho nhau, hãy nhớ like đăng ký kênh Chăn Kpă”. Ngoài ra, ngôn ngữ Jrai cũng được dùng khá phổ biến trên các trang Facebook và Zalo cá nhân của người Jrai. Chúng ta có thể tìm thấy các tương tác sử dụng chữ Jrai qua các bình luận của các cá nhân khi bình luận hoặc nhận xét về một số hình ảnh, sự kiện hay video được đăng tải của bạn bè. Điều này tạo ra thói quen sử dụng chữ Jrai cho giới trẻ hiện nay.
3. Kết luận
Truyền thông bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số là biện pháp hiệu quả để bảo tồn và phát huy các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Thông qua các hoạt động này, nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy, trong đó yếu tố ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số cũng được bảo tồn trước sự tác động của hội nhập văn hóa. Đây là một nhiệm vụ quan trọng cần được triển khai đối với các vùng dân tộc thiểu số và miền núi và hiệu quả tác động xã hội rất to lớn. Thông qua các phương tiện truyền thông bằng chính ngôn ngữ của dân tộc bản địa, người dân đã hiểu, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc như tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật,... Việc nghiên cứu ngôn ngữ Jrai trên một số loại hình truyền thông mới chỉ là nhiệm vụ bước đầu, chúng tôi hi vọng sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này trong một bài viết khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, Hơdrôm hră hrăm tơlơi Jrai - Tài liệu học tiếng Jrai (Lưu hành nội bộ), 2014.
[2] http://vov4.vov.vn/jarai.aspx.
[3] https://www.youtube.com/watch?v=V8teXP5uBmk.
[4] https://www.youtube.com/watch?v=flLJ9h3dcpo.
[5] https://www.youtube.com/watch?v=XVu55kHoJHY.
[6] https://www.youtube.com/watch?v=EeR46ulQ45o.
[7] https://www.youtube.com/watch?v=2idGLSXnMZE.
CAO THỊ HẢO - PHẠM KIM THOA