Tóm tắt: Màu sắc là một trong những dạng thức văn hóa đầu tiên được ghi lại và ký hiệu hóa thông qua ngôn ngữ. Người Việt Nam có một kho từ ngữ chỉ màu riêng của mình, rất phong phú và độc đáo, thể hiện tư duy nhận thức của dân tộc và đặc trưng văn hóa rõ nét. Trong bài viết này, chúng tôi điểm lại lịch sử nghiên cứu từ ngữ chỉ màu sắc trên thế giới, từ đó đề xuất cách thức phạm trù hóa từ ngữ chỉ màu tiếng Việt theo lý thuyết điển mẫu. Quan điểm phạm trù hóa này có thể được coi là cơ sở thích hợp cho những khảo sát chuyên sâu về các từ ngữ chỉ màu tiếng Việt.
Từ khóa: Từ ngữ chỉ màu, phạm trù hóa, điển mẫu.
Abstract: Colour is one of the first cultural forms to be recorded and signified through language. The Vietnamese people have an abundant and unique lexicons of their own colour terms, expressing their nation’s cognitive thinking and cultural characteristics. In this article, we review the history of research on colour terms in the world, thereby propose a way to categorize Vietnamese colour terms according to prototypical theory. This categorization point of view can be considered an appropriate basis for in-depth surveys on Vietnamese colour lexicons.
Keywords: Colour terms, categorization, prototype.
Dẫn nhập
Theo Brown và Lenneberg [2], con mắt người có thể nhận biết được tới 7,5 triệu sắc màu khác nhau. Màu sắc không chỉ là một thuộc tính cố hữu của thiên nhiên mà còn là yếu tố tinh thần đặc sắc của loài người. Màu sắc là một trong những dạng thức văn hóa đầu tiên được ghi lại và ký hiệu hóa thông qua ngôn ngữ. Người Việt Nam, cũng như các dân tộc khác, có một kho từ ngữ chỉ màu riêng của mình, rất phong phú và độc đáo. Trong bài viết này, chúng tôi điểm lại lịch sử nghiên cứu từ ngữ chỉ màu sắc trên thế giới, từ đó đề xuất một cách thức phạm trù hóa từ ngữ chỉ màu tiếng Việt theo lý thuyết điển mẫu, làm cơ sở cho những khảo sát chuyên sâu về nhóm từ này.
1. Sơ lược lịch sử nghiên cứu từ ngữ chỉ màu sắc trên thế giới
Các nhà khoa học trên thế giới từ thế kỷ XIX đến nay luôn quan tâm đến sự khác biệt trong khả năng cảm nhận màu sắc của các tộc người. Maclaury [8] tổng kết: từ 1858 đến 1997 đã có hơn 3.000 tác phẩm viết về các từ ngữ chỉ màu thuộc các ngôn ngữ khác nhau.
Trong số các nghiên cứu về từ ngữ chỉ màu, nổi bật hơn cả là chuyên khảo Basic Color Terms: Their Universality and Evolution (Các từ chỉ màu cơ bản: Phổ niệm và sự tiến hóa) của Brent Berlin và Paul Kay [1]. Đây được xem là hòn đá tảng trong lịch sử nghiên cứu về phạm trù hóa màu sắc và từ ngữ chỉ màu. Từ khi công trình này ra đời, có thể nói không quá rằng tất cả các công trình nghiên cứu về màu sắc sau đó, dù ủng hộ hay phản đối lý thuyết của Berlin và Kay, đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của họ. Nhằm phản bác thuyết tương đối, thuyết võ đoán và cấu trúc luận về từ ngữ chỉ màu, Berlin và Kay đã tiến hành một cuộc điều tra khá quy mô dựa trên các định đề sau: (a) Không phải các từ chỉ màu có vị thế ngang bằng nhau; có những từ chỉ màu cơ bản, và những từ này được xác định bằng một vài tiêu chuẩn nhất định; (b) Có một sự phân loại không ngang bằng trong các phạm trù màu, nghĩa là có thể tách ra được một tiêu điểm của phạm trù; (c) Sự biểu thị của một từ chỉ màu được miêu tả đầy đủ bởi ba chiều: sắc thái, độ sáng và độ bão hòa.
Trên cơ sở các định đề đó, bước thứ nhất, Berlin và Kay khảo sát các từ ngữ chỉ màu của 20 ngôn ngữ bằng cách phỏng vấn trực tiếp người bản ngữ để vạch ra tiêu điểm và ranh giới của mỗi từ chỉ màu cơ bản trong từng ngôn ngữ, dựa trên bảng màu Munsell gồm 324 ô màu. Kết quả khảo sát như sau: (a) Tất cả các ngôn ngữ đều có từ 2 đến 11 từ chỉ màu cơ bản; (b) Nếu một ngôn ngữ có 11 từ chỉ màu cơ bản, thì các phạm trù màu được mã hóa là: trắng, đen, đỏ, xanh lục, vàng, xanh lam, nâu, cam, hồng, tím, xám; (c) Nếu một ngôn ngữ có ít hơn 11 từ chỉ màu cơ bản thì sẽ có những giới hạn nghiêm ngặt để mã hóa các phạm trù màu. Sau đó, Berlin và Kay dùng dữ liệu từ điển và sách để tăng số lượng các ngôn ngữ được khảo sát lên tới 89 ngôn ngữ. Dữ liệu mới này tiếp tục khẳng định kết quả trên.
Bước thứ hai, các tác giả đề nghị người được phỏng vấn vạch ra ranh giới của từng từ chỉ màu cơ bản trong ngôn ngữ của họ trên bảng màu Munsell, và nhận diện các ví dụ điển hình nhất của mỗi từ chỉ màu. Kết quả cho thấy, các từ chỉ màu cơ bản trong hầu hết các ngôn ngữ được mã hóa theo một trật tự nhất định gồm 7 bước (Bảng 1). Theo trật tự này, tất cả các ngôn ngữ đều có một từ chỉ màu trắng và một từ chỉ màu đen, nằm ở cực trái của trật tự (một số ngôn ngữ chỉ có hai từ chỉ màu này thôi). Nếu một ngôn ngữ có một từ nào đó dùng để chỉ bất kỳ màu nào ở cực phải của trật tự, có thể dự đoán là ngôn ngữ đó sẽ có các từ để chỉ tất cả các màu ở phần bên trái của bảng màu. Ví dụ, nếu ngôn ngữ nào có từ chỉ màu nâu, thì có thể dự đoán ngôn ngữ đó sẽ có các từ chỉ màu trắng, đen, đỏ, xanh cây, vàng và xanh lam.
Từ kết quả này, các tác giả suy đoán sự tiến hóa của từ chỉ màu cơ bản trong các ngôn ngữ như sau: (a) Các ngôn ngữ tiến hóa từ chỗ chỉ có 2 từ chỉ màu cơ bản, và dần dần thêm các từ khác cho đến khi đạt số lượng cao nhất là 11 từ chỉ màu cơ bản; (b) Các ngôn ngữ không bao giờ để rơi rụng các từ chỉ màu cơ bản một khi nó đã thu nhận; (c) Trật tự 7 bước phát triển của các từ chỉ màu cơ bản tương ứng với các bước tiến hóa cơ bản của hệ thống từ chỉ màu (trật tự logic tương ứng với trật tự thời gian).
Có thể nói, nghiên cứu của Berlin và Kay có tính “cách mạng”, thể hiện ở những điểm sau: (a) Họ chứng minh được sự phạm trù hóa màu sắc không phải có tính ngẫu nhiên, và tính điển hình của các từ chỉ màu cơ bản trong các ngôn ngữ là tương tự nhau; (b) Họ chứng minh được quá trình tiến hóa phổ quát của từ chỉ màu trong tất cả các ngôn ngữ, theo một trật tự nhất định.
Lý thuyết phổ niệm của Berlin và Kay dẫn đến sự bùng nổ hàng loạt các công trình nghiên cứu về từ chỉ màu trong các ngôn ngữ. Theo Anders Steinvall [11, tr. 1], thư mục các công trình nghiên cứu về từ chỉ màu trong khoảng 1970 đến 1990 được thống kê trong tác phẩm của Maffi [9] vượt quá con số 200 tên sách và bài báo. Trong số đó, lý thuyết phạm trù hóa theo điển mẫu của E. Rosch rất đáng chú ý. Rosch [10] đã phát triển lý thuyết phạm trù hóa theo điển mẫu, nhằm phản bác lý thuyết phạm trù hóa cổ điển. Theo lý thuyết cổ điển, để xác định tư cách thành viên của một phạm trù, người ta cần đến một loạt các thuộc tính cần và đủ, nhưng Rosch suy nghĩ ngược lại. Bà tiến hành khảo sát bộ tộc Dani ở Irian Jaya (New Guinea). Trong ngôn ngữ bộ tộc này chỉ có 2 từ chỉ màu, là mili (màu tối - lạnh, gồm đen, xanh lam và xanh cây) và mola (màu sáng - ấm, gồm trắng, vàng, cam, đỏ, hồng và tím đỏ). Bà nhận thấy rằng những người nói tiếng Dani nhận thức được những tiêu điểm màu nổi bật, mặc dù những màu này không có tên gọi trong tiếng Dani. Qua thực nghiệm, Rosch chứng minh rằng người Dani có những điển mẫu màu không có từ chỉ màu tương ứng, và khi người Dani học các từ chỉ màu mới được đặt cho các phạm trù màu này, thì họ học tên các từ chỉ màu tiêu điểm nhanh hơn các từ chỉ màu không tiêu điểm. Bà kết luận rằng những màu tiêu điểm giống như những điển mẫu tự nhiên của một phạm trù màu, chúng có những địa vị đặc biệt, như là ví dụ tốt nhất của toàn bộ phạm trù. Như vậy, Rosch xác nhận và phát triển lý thuyết của Berlin và Kay.
Năm 1997, Kay, Berlin và Merrifield [4] tiến hành điều tra từ ngữ chỉ màu của 110 ngôn ngữ, từ đó tạo lập một bức tranh khá hoàn hảo về các hệ thống từ ngữ chỉ màu trên khắp thế giới. Dựa trên dữ liệu của cuộc điều tra, Kay và Maffi [5] công bố một cách phân loại mới về các hệ thống từ chỉ màu: có 6 màu cơ bản gồm đỏ, vàng, xanh lam, xanh cây, đen và trắng là điển mẫu của các từ chỉ màu. Mô hình phạm trù hóa màu của các ngôn ngữ trên thế giới do Kay và Maffi tạo lập gồm 4 nguyên tắc: (1) sự chia cắt; (2) trắng và đen; (3) ấm và lạnh; (4) đỏ. Theo đó, các ngôn ngữ ban đầu chỉ có hai từ chỉ màu, trải qua thời gian, các từ khác được thêm vào, và một khi đã thêm vào thì không từ nào bị rơi rụng đi. Sự tiến hóa đó gồm 5 bậc, bắt đầu với hai từ chỉ màu, rồi dần dần các không gian màu được phân chia thành các khu vực nhỏ hơn, được gọi tên bằng các từ chỉ màu khác nhau, cho đến khi mỗi màu cơ bản được thể hiện bằng một từ riêng biệt. Theo Kay và Maffi, 91/110 ngôn ngữ (chiếm 83%) được khảo sát nằm trong mô hình tiến hóa này. Như vậy, Kay và Maffi kế thừa có điều chỉnh lý thuyết của Berlin và Kay.
Bức tranh toàn cảnh về các công trình nghiên cứu về từ chỉ màu không chỉ dừng lại ở những nghiên cứu theo hướng Berlin và Kay. Cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, có ba hướng nghiên cứu nổi bật về từ chỉ màu gồm: (a) quan điểm lợi thế, (b) quan điểm kinh nghiệm luận và (c) quan điểm văn hóa luận.
Thông qua những dữ liệu thu thập được từ Cuộc điều tra màu khu vực Trung Mỹ, Maclaury đề xuất lý thuyết lợi thế (Vantage Theory) [7]. Về cơ bản, Maclaury thừa nhận lý thuyết Berlin và Kay. Ông là người đầu tiên nhận diện trên thực nghiệm những phạm trù màu “ngoại lai” không tuân theo trật tự tiến hóa mà Berlin và Kay đưa ra, đó là phạm trù màu vàng - xanh lục. Đóng góp chính của ông là áp dụng phương pháp nghiên cứu mới vào khai thác dữ liệu. Maclaury tránh dùng một khái niệm có sẵn về các từ chỉ màu cơ bản; người tham gia khảo sát có thể tự do dùng bất kỳ từ ngữ nào mà họ thích để gọi tên các màu này. Theo Maclaury [7, tr. 141], lý thuyết lợi thế là “một mô hình về phạm trù theo kiểu động lực học, mà dựa vào mô hình này con người sáng tạo, duy trì và thay đổi một phạm trù màu theo đúng cái cách thức mà họ dùng để giữ vững vị trí của họ trong không gian vật lý”.
Theo một hướng đi khác, trường phái kinh nghiệm luận (Lammens) [6] cho rằng sự lĩnh hội các phạm trù màu của con người được quy định bởi những yếu tố sinh học và môi trường. Theo họ, các phạm trù màu đúng là có tính phổ niệm, nhưng không có tính bẩm sinh. Các phạm trù được lĩnh hội một cách cá nhân bởi từng con người cụ thể, nhưng dựa trên các điều kiện sinh học và môi trường gần như có tính toàn cầu mà tất cả các cá nhân trên thế giới đạt đến những phạm trù gần như giống nhau hoàn toàn. Sở dĩ những người khác nhau có các phạm trù màu giống nhau là do họ đều là sản phẩm tự nhiên của quá trình quy nạp thông qua nhiều loại kích thích, mà các kích thích này hiện diện trong môi trường thông thường. Những nền văn hóa khác nhau có thể có những phạm trù màu khác nhau, hoặc là vì môi trường của họ có những kích thích màu khác nhau, hoặc là vì các cá nhân nào đó về đặc tính sinh lý thần kinh khác với loài người bình thường.
Sau cùng, quan điểm văn hóa luận (Davidoff) [3] cho rằng con người lĩnh hội các phạm trù màu do ảnh hưởng mạnh từ ngôn ngữ và chúng được phổ biến rộng rãi trong quá trình phát triển của văn hóa. Các phạm trù màu được tiếp nhận thông qua quá trình học hỏi được quy định bởi những đặc tính sinh lý và thần kinh tương tự nhau giữa các cá nhân. Các cá nhân cùng chia sẻ những điều kiện môi trường giống nhau, tức là đều trải qua những kích thích giống nhau. Hơn nữa, yếu tố sinh thái học, là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến ý nghĩa và tầm quan trọng của các kích thích về màu sắc, cũng được tất cả các cá nhân trong một nền văn hóa trải nghiệm giống nhau. Tuy nhiên, những yếu tố này chưa đủ để các cá nhân trong cộng đồng đạt đến những khái niệm chung, mà cần thêm yếu tố khác, đó là những tương tác có tính xã hội giữa các thành viên trong cộng đồng. Môi trường xã hội của người học kích thích họ học một phạm trù nhất định và không khuyến khích họ học những phạm trù khác. Điều này thúc đẩy việc học tập và cung cấp những phản hồi có tính xã hội và văn hóa. Phần lớn quá trình này được tạo lập thông qua việc học ngôn ngữ.
Quan điểm văn hóa luận, theo chúng tôi, là sự mở rộng của quan điểm kinh nghiệm luận. Cả hai quan điểm này đều cho rằng các phạm trù màu được các cá nhân lĩnh hội thông qua những tác động về mặt môi trường, sinh học và sinh thái học, nhưng quan điểm văn hóa luận thêm vào một yếu tố nữa, đó là sự tương tác có tính xã hội giữa các cá nhân dẫn đến điểm chung trong bản chất của các phạm trù màu.
Nhìn lại các khuynh hướng nghiên cứu các phạm trù màu và các hệ thống từ chỉ màu hiện nay, có thể đưa ra nhận xét: Cho đến nay đại đa số các nhà nghiên cứu đều thống nhất với quan điểm tính phổ niệm của Berlin và Kay: Các ngôn ngữ khác nhau dùng các từ chỉ màu khác nhau, nhưng các phạm trù màu khác nhau đó đều có những tiêu điểm trong không gian, được bao quanh bởi một ranh giới mờ. Những tiêu điểm này được biểu thị bằng một số từ chỉ màu cơ bản; tuy nhiên số lượng các từ chỉ màu này rất khó được xác định bằng một con số cố định. Sự xuất hiện của các từ chỉ màu trong các ngôn ngữ có tính tiến hóa. Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa các khuynh hướng là vấn đề nguồn gốc xuất hiện các từ chỉ màu và sự lĩnh hội các phạm trù màu. Các nhà phổ niệm luận cho rằng các phạm trù màu được xác định bởi những nhân tố thần kinh, có tính di truyền, và sở dĩ các cá nhân trong một cộng đồng nhận thức các phạm trù màu giống nhau là do đặc tính di truyền quyết định. Các khuynh hướng khác lại cho rằng các phạm trù màu được nhận thức thông qua sự học hỏi, và sự học hỏi các phạm trù màu được quy định bởi các yếu tố như sinh học, môi trường, sinh thái học, văn hóa, sự tương tác có tính xã hội giữa các cá nhân.
2. Đề xuất cách thức phạm trù hóa từ ngữ chỉ màu tiếng Việt
Định hướng nghiên cứu về các từ ngữ chỉ màu tiếng Việt của chúng tôi trong thời gian qua, về cơ bản, vẫn đi theo lý thuyết phổ niệm của Berlin và Kay. Theo đó, tiếng Việt có ba lớp từ chỉ màu: (1) Lớp từ chỉ màu cơ bản; (2) Lớp từ chỉ màu phái sinh từ lớp từ cơ bản (còn gọi là lớp từ chỉ màu thứ cấp); (3) Lớp từ chỉ màu cụ thể.
Có thể mô hình hóa quan hệ giữa ba lớp này như sau:
Lớp từ chỉ màu cơ bản gồm 9 từ: đen, trắng, đỏ, vàng, xanh, nâu, hồng, xám, tím. Chúng có chung đặc điểm sau: (a) tần số sử dụng cao; (b) cấu trúc đơn giản (đơn âm tiết); (c) phạm vi biểu vật rộng lớn; (d) có khả năng tạo ra hàng loạt từ chỉ màu phái sinh. Có thể coi bốn đặc điểm này là bốn tiêu chí quan trọng để xác định từ nào được coi là từ chỉ màu cơ bản; trong đó, ba tiêu chí đầu là điều kiện cần, còn tiêu chí thứ tư là điều kiện đủ. Do tiêu chí này mà một số từ chỉ màu mặc dù cũng có cấu trúc đơn âm tiết, được sử dụng nhiều, như cam, lục, lam, chàm, ghi, be, tía,... nhưng không có khả năng sản sinh các từ thứ cấp thì không được xếp vào đây.
Lớp từ thứ hai là những từ phái sinh từ lớp từ chỉ màu cơ bản, có số lượng rất lớn (khoảng 730 từ, theo khảo sát của chúng tôi). Chúng có những đặc điểm sau: (a) cấu trúc phức tạp; (b) phạm vi biểu vật hẹp hơn so với lớp từ chỉ màu cơ bản (được bao hàm trong các từ chỉ màu cơ bản, ví dụ: xanh ngắt, đỏ tươi, vàng rực, trắng trẻo,...).
Lớp từ thứ ba là các từ chỉ màu cụ thể, số lượng không nhiều, với đặc điểm nổi bật là mượn trực tiếp tên gọi của các sự vật trong thế giới khách quan, ví dụ: kem, bạc, hoàng yến, nước biển,...
Cách phân loại như trên đi theo đúng lý thuyết của Berlin và Kay. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy cách phân loại này chưa bao quát được bức tranh phong phú của các từ ngữ chỉ màu tiếng Việt. Mô hình trên chưa thể hiện được mối liên kết giữa các lớp từ với nhau; dường như các từ được xếp vào những “ô” riêng và nằm im ở đó. Để xử lý nhược điểm này, lý thuyết điển mẫu tỏ ra là một lối đi thích hợp.
Lý thuyết điển mẫu là lý thuyết về phạm trù hóa theo khoa học tri nhận, theo đó, các thành viên trong một phạm trù có vị thế không ngang bằng nhau. “Điển mẫu” được dùng để chỉ thành viên trung tâm, hay một nhóm các thành viên trung tâm của một phạm trù. Các thực thể được coi là có tư cách thành viên của phạm trù đến mức độ nào là nhờ vào sự tương đồng với điển mẫu đến mức nào, có nghĩa là thực thể nào càng có nhiều đặc tính giống điển mẫu thì càng ở vị trí gần trung tâm, và ngược lại, càng ít giống điển mẫu thì càng xa trung tâm, và ít giống nhất thì ở ranh giới của phạm trù.
Lý thuyết này ra đời nhằm phản bác lý thuyết phạm trù hóa truyền thống (mô hình thuộc tính tiêu chuẩn) dựa vào những điều kiện cần và đủ. Người đầu tiên đưa ra thuật ngữ điển mẫu là E. Rosch [10], chính là từ những khảo sát về từ chỉ màu như đã trình bày ở trên. Lý thuyết điển mẫu được nhiều nhà nghiên cứu tán đồng, bởi nó tránh được những nhược điểm của mô hình thuộc tính tiêu chuẩn, không đòi hỏi mọi thành viên của phạm trù phải có một đặc tính nào đó mà các thành viên khác đều có. Việc một thành viên nào đó thiếu vắng một đặc tính cơ bản không ép buộc người ta phải loại thành viên đó ra khỏi phạm trù, mà coi các thành viên đó là phi điển mẫu. Điển mẫu cũng không hạn định một phạm trù chỉ có một số lượng thành viên nhất định, ngược lại, nó khuyến khích sự phạm trù hóa một cách khả thi nhất, đầy đủ nhất. Điển mẫu cũng cho phép một thực thể đồng hóa với một phạm trù, nếu người ta tìm ra bất kỳ lý do hợp lý nào để liên kết nó với những trường hợp điển mẫu.
Xét trường hợp các từ ngữ chỉ màu tiếng Việt, lý thuyết điển mẫu xử lý được hầu hết những vấn đề chúng tôi băn khoăn trong cách phân loại trước đây. Có thể hình dung các từ ngữ chỉ màu tiếng Việt là một phạm trù được phân lớp theo mô hình sau:
Đứng ở vị trí trung tâm của phạm trù là 9 từ chỉ màu điển mẫu: đen, trắng, đỏ, vàng, xanh, nâu, hồng, xám, tím. Bốn tiêu chí xác định nhóm từ này vẫn được áp dụng, tuy nhiên không coi là điều kiện “cần” và “đủ” nữa. Như vậy, những từ như lục, lam, chàm, ghi, be, tía,... trước đây chúng tôi không biết xếp vào đâu, thì bây giờ sẽ đứng ở vị trí giao thoa giữa lớp từ điển mẫu và lớp từ phái sinh. Đứng ở vị trí gần trung tâm, sát bên ngoài các từ điển mẫu, là các từ chỉ màu phái sinh. Cuối cùng, ở vị trí ngoài cùng của phạm trù là các từ chỉ màu cụ thể. Ở vị trí giao thoa giữa các lớp từ là các từ mang đặc điểm của cả hai lớp từ, ví dụ đứng giữa các lớp từ (1) và (2) là các từ lục, lam, chàm,... hoặc các từ xanh đỏ, đen trắng, đỏ đen, trăng trắng, hồng hồng,... Ở vị trí giao thoa giữa lớp từ (2) và (3) là các từ (xanh) nước biển, (đỏ) son, (trắng) sữa,...
Chúng ta cũng có thể áp dụng lý thuyết điển mẫu để phạm trù hóa các từ ngữ chỉ màu tiếng Việt theo một kiểu khác. Đó là một phạm trù lớn, bên trong nó có 9 phạm trù nhỏ, mà trung tâm của mỗi phạm trù này là một từ chỉ màu cơ bản. Mô hình minh hoạ như sau:
Kiểu phạm trù hóa này giúp chúng ta nhìn ra được sự liên kết chặt chẽ giữa từ chỉ màu điển mẫu với các từ phái sinh của nó, cũng như mối tương ứng và liên hệ giữa các tiểu phạm trù trong phạm trù lớn.
Kết luận
Lịch sử nghiên cứu các từ ngữ chỉ màu sắc cho thấy nhóm từ ngữ này vẫn luôn là đối tượng nghiên cứu quan trọng của các trường phái ngôn ngữ học khác nhau, bởi qua đó người ta thấy được mỗi dân tộc có cách nhận thức thế giới đặc sắc như thế nào; nói cách khác, bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện rất rõ các từ ngữ chỉ màu. Nhằm tìm ra hướng đi mới trong nghiên cứu từ ngữ chỉ màu sắc tiếng Việt, chúng tôi áp dụng lý thuyết điển mẫu để phạm trù hóa các từ ngữ chỉ màu, nhìn ra được “tâm” và “biên” của phạm trù. Đây là một hướng đi có triển vọng, giúp các nhà nghiên cứu phân định sáng rõ các mối liên hệ phức tạp cả về hình thức lẫn ngữ nghĩa giữa các từ ngữ trong phạm trù này, từ đó có những phát hiện mới về đặc trưng văn hóa dân tộc Việt thể hiện qua các từ ngữ chỉ màu tiếng Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Berlin, B., and P. Kay, Basic Color Terms: Their Universality and Evolution, University of California Press, Berkeley, 1969.
[2] Brown, R. W., & E. H. Lenneberg, A study in language and cognition, The Journal of Abnormal and Social Psychology, Vol. 49 (3), pp. 454-462, 1954.
[3] Davidoff, J., Language and perceptual categories, Trends in Cognitive Science, Vol. 5, pp. 382-387, 2001.
[4] Kay, P., B. Berlin, L. Maffi and W. Merrifield, Color Naming across Languages, in Hardin, C. L. and L. Maffi (eds.), pp. 21-56, 1997.
[5] Kay, P., and L. Maffi, Color Appearance and the Emergence and Evolution of Basic Color Lexicons, American Anthropologist, Vol. 101, No. 4, pp. 743-760, 1999.
[6] Lammens, J. M. G., A computational model of color perception and color naming, Doctoral thesis, State University of New York at Buffalo, 1994.
[7] Maclaury, R., From Brightness to Hue: An Explanatory Model of Color-Category Evolution, Current Anthropology, Vol. 33, No. 2, pp. 137-186, 1992.
[8] Maclaury, R., Color and Cognition in Mesoamerica: Constructing Categories as Vantages, University of Texas Press, Austin, 1997.
[9] Maffi, L., A Bibliography of Color Categorization Research 1970-1990, in Berlin, B. and P. Kay, Basic Color Terms: Their Universality and Evolution, 1st paperback edn., University of California Press, Berkeley, pp. 173-189, 1991.
[10] Rosch, E., Natural Categories, Cognitive Psychology, Vol. 4, pp. 328-350, 1973.
[11] Steinvall, A., English Colour Terms in Context, Umeå Universitet, Umeå, 2002.
NGUYỄN KHÁNH HÀ