KHẢO SÁT TỪ ĐIỂN TÁC GIẢ, TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM (DÙNG TRONG NHÀ TRƯỜNG)

07/12/2023
Tóm tắt: Bài viết khảo cứu công trình Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng trong nhà trường) do các tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Duy Tân, Nguyễn Như Ý đồng chủ biên, xuất bản năm 2012. Từ đó thấy được đây là cuốn từ điển hữu ích cho nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan và cho đông đảo bạn đọc quan tâm đến nền văn học nước nhà, cả những người nước ngoài muốn tìm hiểu di sản văn học phong phú và lâu đời của Việt Nam.

Tóm tắt: Bài viết khảo cứu công trình Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng trong nhà trường) do các tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Duy Tân, Nguyễn Như Ý đồng chủ biên, xuất bản năm 2012. Từ đó thấy được đây là cuốn từ điển hữu ích cho nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan và cho đông đảo bạn đọc quan tâm đến nền văn học nước nhà, cả những người nước ngoài muốn tìm hiểu di sản văn học phong phú và lâu đời của Việt Nam.

Từ khóa: Từ điển văn học, từ điển tác giả tác phẩm văn học.

Abstract: The article surveys the Dictionary of Vietnamese literary authors and works (for school use) co-edited by the authors Nguyen Dang Manh, Bui Duy Tan, Nguyen Nhu Y, published in 2012. Therefrom, it can be seen that the Dictionary is a useful reference work for many people working in related fields and for the readers who have been interested in Vietnam literature, including foreigners who want to study rich and long-standing literary heritage of Vietnam.

Keywords: Literary dictionary, dictionary of literary authors and works.

 

1. Mở đầu

Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng trong nhà trường) do các tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Duy Tân, Nguyễn Như Ý đồng chủ biên, cùng tập thể các tác giả Bích Thu, Bùi Việt Thắng, Chu Huy, Đinh Thị Khang, Đỗ Ngọc Thống, Hoàng Hữu Yên, Lã Nhâm Thìn, Lại Văn Hùng, Lê Dục Tú, Lê Quang Hưng, Lưu Khánh Thơ, Mai Hương, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Hữu Thức, Nguyễn Thiện, Nguyễn Văn Tùng, Phạm Tú Châu, Tạ Ngọc Liễn, Tôn Phương Lan, Tôn Thảo Miên, Trần Đăng Suyền, Trần Thị Băng Thanh, Trịnh Thu Tiết biên soạn. Năm 2012, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho ra ấn phẩm này với độ dày 1.087 trang, khổ 17 × 24 cm.

Tiêu chí lựa chọn mục từ là các tác giả, tác phẩm được dạy và học trong chương trình của nhà trường. Bên cạnh đó, những người biên soạn cũng đã giới thiệu thêm một số tác giả, tác phẩm ngoài chương trình giúp học sinh khắc phục tình trạng chỉ biết đến tác giả, tác phẩm được học, còn những tác giả, tác phẩm khác thì không biết.

2. Cấu trúc tổng thể của công trình

Công trình Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng trong nhà trường) gồm có các phần:

Danh sách nhóm biên soạn gồm 28 tác giả tham gia biên soạn.

Lời giới thiệu: nhà văn Vũ Tú Nam - Nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV viết lời giới thiệu về công trình.

Lời nói đầu: Khẳng định mục đích, sự cần thiết của công trình, những điểm mới cập nhật phong phú hơn những công trình đã xuất bản trước đó. Đưa ra tiêu chí lựa chọn mục từ, cách trình bày đối với tổng thể công trình và cụ thể từng loại mục từ.

 Những chữ viết tắt: Bảng quy định viết tắt trong từ điển.

Phần từ điển: gồm 671 mục về tác giả, tác phẩm, tổ chức, giải thưởng, hội nhóm văn học.

 Bảng tra cứu mục từ trong từ điển: danh sách các mục từ được sắp xếp theo bảng chữ cái tiếng Việt, giúp người đọc tra cứu thuận tiện.

Bên cạnh đó, công trình có 222 ảnh chân dung và một số ảnh tập thể các nhà văn, nhà thơ.

3. Cấu trúc vĩ mô của công trình

Cấu trúc vĩ mô là cấu trúc bao gồm toàn thể các mục từ được sắp xếp theo một trật tự xác định, còn có thể gọi là cấu trúc bảng mục từ. Các mục từ trong Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng trong nhà trường) được thu thập theo những tiêu chí nhất định, tạo thành một bảng từ có tính hệ thống, đảm bảo sự nhất quán, có cấu trúc chặt chẽ. Đây là cấu trúc có quan hệ dọc, suốt từ đầu đến cuối quyển từ điển, nên được gọi là cấu trúc vĩ mô.

Công trình Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng trong nhà trường) gồm 671 mục từ, trong đó có 426 mục từ tác giả, 227 mục từ tác phẩm văn học viết và văn học dân gian và 18 mục từ các tổ chức, các giải thưởng, các hội nhóm văn học và đặc biệt sách đã có 9 phần tư liệu tuyển trích cho 9 tác giả lớn. Sách cung cấp 32 trang ảnh đen trắng là ảnh chân dung các tác giả và ảnh tập thể tác giả. Các mục từ được sắp xếp theo bảng chữ cái tiếng Việt, theo chữ cái đầu của từ đầu mục, mục từ tác giả xếp theo họ, không phân biệt cổ hay kim.

Cuốn từ điển đã bao quát được một số lượng mục từ tác giả tương đối lớn, bao gồm các tác giả từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XX như: Đinh Hùng, Đoàn Phú Thứ, Đoàn Thị Điểm, Tế Hanh, Thạch Lam, Trần Mạnh Hảo, Tương Phố, Nguyễn Ái Quốc, Tản Đà, Xuân Diệu, Nguyễn Du, Nông Quốc Chấn, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Hữu Trác, Phan Bội Châu, Phạm Đình Hổ, Sơn Nam, Sóng Hồng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Khoa Điềm, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Lam Luyến, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hồ Dzếnh, Lê Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt,... Bên cạnh những nhà văn, nhà thơ quen thuộc, công trình này còn lựa chọn nhiều gương mặt nhà văn, nhà thơ có thành tựu sống và viết dưới chế độ Sài Gòn trước 1975 và một số gương mặt nhà văn Việt Nam ở hải ngoại: Hồ Hữu Tường, Doãn Quốc Sĩ, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Sơn Nam, Thanh Tâm Huyền, Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc,...

Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng trong nhà trường) có 227 mục từ tác phẩm bao gồm cả văn học viết và văn học dân gian: Ai tư vãn, An Dương Vương, Ánh sáng phù sa, Ẳm ẹt luông, Ba hồi kinh dị, Bước đường cùng, Chàng Lía, Cha con nghĩa nặng, Chỉ nam âm ngọc giải, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam quốc sử diễn ca, Đam cưới không có giấy giá thú, Đời mưa gió, Gánh hàng hoa, Hồng Đức quốc âm thi tập, Hồn bướm mơ tiên, Kỹ nghệ lấy Tây, Lá ngọc cành vàng, Làm đĩ, Thương nhớ mười hai, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích,...

Công trình có 18 mục từ về tổ chức, giải thưởng, hội nhóm văn học: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật, Giải thưởng Văn chương, Giải thưởng Văn chương ở Việt Nam trước 1945, Giải thưởng Văn học, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng Văn nghệ, Hội Tao Đàn, Hội Văn hóa cứu quốc, Hội Văn nghệ Giải phóng, Hội Văn nghệ Việt Nam, Nhóm Hàn Thuyên, Nhóm Nam phong tạp chí, Nhóm Sáng tạo, Nhóm Tân dân, Nhóm Thanh nghị, Nhóm Tri tân, Nhóm Tự lực văn đoàn, Nhóm Xuân thu nhã tập.

Như vậy, trong cấu trúc vĩ mô các soạn giả đã xây dựng một bảng mục từ không chỉ bao gồm các tác giả, tác phẩm trong chương trình văn học nhà trường phổ thông mà còn mở rộng thêm các tác giả, tác phẩm, tổ chức, hội nhóm ngoài chương trình học. Điều đó giúp cho giáo viên và học sinh có những hiểu biết đầy đủ và sắc nét hơn về tiến trình văn học Việt Nam so với những kiến thức được học trong nhà trường.

4. Cấu trúc vi mô của công trình

Tác giả Nguyễn Ngọc Trâm xác định: “Cấu trúc vi mô là cấu trúc toàn bộ những thông tin được trình bày một cách hệ thống trong mỗi mục từ; có thể gọi là cấu trúc mục từ” [2, tr.76]. Theo đó, cấu trúc vi mô là các thông tin tri thức được trình bày trong mỗi mục từ và mỗi mục sẽ có cách sắp xếp thông tin tri thức theo những quy định, cách thức khác nhau tùy theo mục đích của các soạn giả.

Cấu trúc vi mô của Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng trong nhà trường) gồm hai phần chính: mục từ và các thông tin trong mục từ đó. Cụ thể cấu trúc vi mô của từng loại mục từ trong từ điển được trình bày như sau:

4.1. Mục từ về tác giả

Mục từ tác giả được cấu trúc như sau:

- Tiêu đề mục từ là tên tác giả được viết hoa, in đậm.

- Nội dung mục từ: năm sinh, năm mất (nếu có); tiểu sử và sự nghiệp sáng tác, các tác phẩm, những đánh giá, nhận định khái quát nhất về toàn bộ sự nghiệp và phong cách nghệ thuật (nếu có) của tác giả. Đặc biệt với một số tác giả lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Ái Quốc, Nam Cao, Tản Đà, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tố Hữu, Xuân Diệu,... sau phần nhận định, đánh giá của người biên soạn còn có thêm một vài ý kiến nhận xét của các nhà nghiên cứu, phê bình.

Ví dụ:

BÀN TÀI ĐOÀN (1913 - 2007) Nhà thơ, người dân tộc Dao Tiền, sinh 28.9.1913, có tên thật là Bàn Tài Tuyên. Bút danh khác: Đoàn. Quê gốc: xóm Xý Kênh, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Bàn Tài Đoàn tham gia hoạt động Việt Minh từ trước 1945. Sau 1945, ông công tác ở phòng tuyên truyền, Cục Chính trị Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ 1951, ông giữ các chức vụ: Phó Giám đốc Sở Văn hóa thông tin khu tự trị Việt Bắc, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Bắc, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa I và II). Ông mất tại Đắc Lắc ngày 17.11.2007.

Tác phẩm chính: Muối của Cụ Hồ (thơ - 1960), Có mắt thấy đường đi (thơ - 1962), Xuân về trên núi (thơ - 1963), Một giấc mơ (thơ - 1964), Kể chuyện đời (thơ - 1968), Chùm sấy cấu (thơ - 1969), Tháng Tám đổi mới (thơ - 1971), Rừng xanh (thơ - 1973), Sáng cả hai miền (thơ - 1975), Gửi đồng bào Dao (thơ - 1979), Nơi ta ở (thơ - 1979), Bước đường tôi đi (thơ - 1985), Tuyển tập thơ Bàn Tài Đoàn (thơ - 1993), Phạm Tìu Lậu (Ba con đường). Một số tác phẩm văn xuôi: Đời người Dao (1948), Hồi ký khu Quang Trung (hồi ký - 1994) và tập tiểu luận Vấn đề văn nghệ miền núi (1948).

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, du canh du cư, thuở nhỏ Bàn Tài Đoàn phải tự học là chính. Vốn có năng khiếu văn nghệ, lại say mê nghệ thuật, lúc đầu Bàn Tài Đoàn thường làm các bài lượn cho các đôi thanh niên nam nữ hát. Đến khi tham gia cách mạng, ông được một số cán bộ văn hóa có kinh nghiệm dìu dắt, hướng dẫn sáng tác. Ông đã sáng tác những bài thơ tuyên truyền cổ động cho cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân các dân tộc vùng cao. Với sự nỗ lực học hỏi, say mê lao động nghệ thuật, với một mục đích sáng tác thật rõ ràng và trong sáng là phục vụ cách mạng, Bàn Tài Đoàn đã có nhiều tập thơ có giá trị. Thơ ông thể hiện lòng biết ơn của bản thân cũng như của các đồng bào dân tộc vùng cao với Đảng và cách mạng, thể hiện niềm phấn khởi trước những đổi thay trên mảnh đất quê hương và khẳng định quyết tâm theo Đảng và theo cách mạng. Về phương diện nghệ thuật, thơ Bàn Tài Đoàn trong sáng, hồn nhiên, mộc mạc, giàu hình ảnh, đậm đà bản sắc dân tộc. Bàn Tài Đoàn là một trong những nhà thơ dân tộc ít người được xem là tiêu biểu trong nền văn học hiện đại Việt Nam [1, tr.32].

4.2. Mục từ về tác phẩm

Mục từ tác phẩm được cấu trúc như sau:

- Tiêu đề mục từ là tên tác phẩm được viết hoa, in đậm.

- Nội dung mục từ: đầu tiên là những thông tin về diện mạo và nội dung tóm tắt của tác phẩm, tiếp đến là hoàn cảnh ra đời và cuối cùng là ý kiến đánh giá trên những nét lớn. Các tác phẩm về cơ bản được trình bày thành một mục từ riêng, một số tác phẩm được trình bày ngay trong phần viết về tác giả, trừ các tác phẩm khuyết danh hay chưa rõ tác giả là ai.

Ví dụ:

CON TRÂU Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Bổng, được Chi hội Văn nghệ Liên khu V in lần đầu năm 1952, được giải thưởng Phạm Văn Đồng (1952 - 1953), giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1954 - 1955). NXB Văn học tái bản năm 1960, 189 trang.

Cuốn tiểu thuyết gồm 13 chương, được mở đầu bằng khung cảnh một trận càn ác liệt của giặc Pháp vào các xã Hồng Phong - một làng du kích nằm giữa vùng địch tạm chiếm. Giặc thực hiện một âm mưu nham hiểm: liên tiếp mở những trận càn quét, đàn áp, giết hại những người cách mạng, sát hại trâu bò - công cụ lao động chủ yếu của nông dân, nhằm phá hoại sản xuất và uy hiếp tính thần nhân dân.

Tình hình trở nên rất gay go. Bà con chạy giặc, tản mát khắp nơi - Người chạy trốn vào vùng núi sâu, người lánh nạn sang Thái Học - một làng tề có đồn giặc đóng. Đội du kích xã Hồng Phong bị tổn thất nặng nề. Những người du kích dũng cảm vẫn trụ bám đến cùng. Họ rút xuống hầm bí mật, tìm cơ sở để tiêu diệt kẻ thù. Nhưng do lực lượng quá chênh lệch, những người du kích đã bị kẻ thù sát hại vô cùng dã man (anh Phận bị giặc dùng dao găm và lưỡi lê xăm nát mặt; chị Bao bị giặc chặt đầu bêu trên bãi cát...). Xóm làng xơ xác, tiêu điều. Bà con hoang mang, lo lắng. Đàn trâu của xã bị giết hại, bị cướp, bị giam giữ trong đồn. Giặc Pháp dùng bọn Việt gian, cường hào tìm đủ cách dụ dỗ, cưỡng bức nhân dân lập làng tề, bầu lý trưởng.

Trước sức ép của địch, một số ít người vững nhất trụ lại, tìm cách xoay chuyển tình thế. Tiêu biểu nhất là Cúc - bí thư chi bộ xã và Trợ - đội phó du kích. Bước đầu họ vận động bà con đi tản cư ở các làng tề trở về, sớm ổn định cuộc sống và bắt tay vào tăng gia sản xuất, không để ruộng đất bị bỏ hoang. Những người nông dân yêu nước, căm thù giặc, một đời gắn bó với ruộng đất như ông Đẩu, ông Hoạch... đã tích cực hưởng ứng chủ trương “Bám đất, bám làng”. Không còn đàn trâu, bà con phải nai lưng cuốc đất, kéo cày thay trâu, quần quật trên cánh đồng khô cứng vì hạn hán. Vấn đề “con trâu” không còn là chuyện “đầu cơ nghiệp” của một gia đình riêng lẻ, mà là chuyện gắn với sự sống còn chung của làng xã, của quê hương. Nó trở thành mối quan tâm hàng đầu của tổ chức Đảng và của lực lượng vũ trang du kích địa phương. Những người lãnh đạo ở xã đã bàn bạc và thực hiện thành công kế hoạch giải thoát cho đàn trâu bị địch bắt giữ. Khi đàn trâu trở về, những người nông dân lại phải tìm cách bảo vệ bằng nhiều cách (phân tán đàn trâu, đào hầm cho trâu trốn khi giặc càn...). Bảo vệ trâu là để bảo vệ sản xuất, nuôi dưỡng sức dân, chiến đấu lâu dài. Cán bộ xã xác định rõ: có bảo vệ được đàn trâu mới củng cố được lòng tin và động viên được bà con trở về làng sinh sống, mới chấn chỉnh được mọi mặt của cuộc chiến tranh du kích. Thông qua vấn đề con trâu, sự giác ngộ và ý thức cách mạng của những người nông dân hiền lành, chất phác đã được nâng lên ở một tầm cao mới. Vượt qua những dao động, hoang mang lúc đầu, họ đã nhanh chóng trưởng thành, cùng với sự lớn mạnh của phong trào kháng chiến ở một làng quê Nam Trung Bộ. Kết thúc tác phẩm là một trận càn của giặc Pháp vào xã Hồng Phong. Nhưng lần này, bọn chúng bị thất bại hoàn toàn. Trâu vẫn bước khoan thai trên cánh đồng lúa xanh.

Trong các sáng tác viết về nông thôn kháng chiến, Con trâu của Nguyễn Văn Bổng viết từ chiến trường Liên khu V có một vị trí quan trọng. Cùng với sự mở rộng phạm vi mô tả, tác giả đã góp phần làm sáng rõ một hình thái độc đáo của cuộc chiến tranh nhân dân ở Việt Nam. Trong bối cảnh lịch sử và văn học những năm 1950 - 1954, tiểu thuyết Con trâu, với giá trị lịch sử của nó, đã đem lại cho chúng ta một chân dung trung thực và sinh động về người nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp [1, tr.118].

4.3. Mục từ về tổ chức và giải thưởng văn học

Mục từ tổ chức và giải thưởng văn học được cấu trúc như sau:

- Tiêu đề mục từ là tên tổ chức, giải thưởng văn học được viết hoa, in đậm.

- Nội dung mục từ:

+ Mục từ tổ chức: quá trình hình thành, hoạt động, thành tựu.

+ Mục từ giải thưởng văn học: quá trình hình thành, diễn biến, các tác phẩm, tác giả được giải.

Ví dụ:

NHÓM NAM PHONG TẠP CHÍ Nhóm các trí thức, học giả, nhà văn, nhà thơ Việt Nam tập hợp xung quanh tờ Nam phong tạp chí (1917 - 1934), ra hằng tháng, khổ lớn, khoảng 100 trang bằng chữ quốc ngữ, có phần bằng chữ Hán hoặc chữ Pháp (từ 1922) do Phạm Quỳnh (1892 - 1945) làm chủ bút để hoạt động sáng tác, biên khảo, phê bình, dịch thuật văn chương với ý thức và tình cảm giữ gìn, phát huy vốn văn chương, văn hóa cổ của Việt Nam, trong đó có tiếng Việt, tinh hoa của đạo Khổng, đạo Phật, đạo Lão làm nên tinh thần và đạo lý phương Đông, coi nó như là “quốc hồn”, “quốc túy”, đồng thời mở rộng cánh cửa Việt Nam đón nhận những cái tiến bộ, cái hay của phương Đông và phương Tây để xây dựng nền quốc học, quốc văn mới nhằm đưa văn hóa nước nhà đi theo con đường dân chủ, văn minh nhưng vẫn bảo tồn được cái truyền thống đã tồn tại trong tâm hồn người Việt. Với chủ trương nói trên, Nam phong tạp chí đã nhanh chóng có mặt các trí thức nho học và Tây học. Ngoài Phạm Quỳnh, còn có Dương Bá Trạc (1884 - 1944), Nguyễn Hữu Tiến (1847 - 1941), Nguyễn Trọng Thuật (1883 - 1940), Lê Dư (? - 1967), Phạm Duy Tốn (1883 - 1924), Hoàng Ngọc Phách (1896 - 1973),...

Nam phong tạp chí có đủ các chuyên mục về triết học, khoa học, văn học, chính trị, lịch sử, văn hóa. Riêng về văn học, Nam phong tạp chí có ba mảng chính: biên khảo văn học cổ, biên dịch, giới thiệu văn học Tây Âu, phê bình và sáng tác văn chương, đăng tải trên các mục Văn học bình luận, Văn uyển, Tiểu thuyết... Những người cộng tác đắc lực cho chuyên mục này có Hoàng Ngọc Phách, Phạm Duy Tốn, Vũ Đình Long (1896 - 1969). Giữ vai trò chủ chốt, cũng là linh hồn của nhóm Nam phong là Phạm Quỳnh. Ông dịch, khảo cứu rất nhiều công trình của phương Tây và phương Đông về triết học, chính trị, văn hóa, lịch sử, đặc biệt là có nhiều công trình khảo cứu về văn hóa ngôn ngữ. 17 năm tồn tại, 210 số báo, Nam phong tạp chí đã thể hiện được ý tưởng chấn hưng phát triển văn hóa theo hướng dân chủ, gắn với phát triển công thương nghiệp, tiến gần tới văn hóa Tây Âu [1, tr. 699].

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC Giải thưởng văn học của Hội Văn nghệ Việt Nam, tổ chức năm 1954 - 1955 dành cho các tác phẩm văn, thơ, kịch bản xuất sắc nhất. Giải Nhất về văn có Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Truyện Tây Bắc của Tô Hoài. Giải Nhì có Vượt Côn Đảo của Phùng Quán, Truyện anh Lục của Nguyễn Huy Tưởng, Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, Cái lu của Trần Kim Trắc. Giải Ba có Nam Bộ mến yêu của Hoài Thanh, Lên công trường của Hồng Hà. Về kịch bản có Lửa cháy lên rồi của Phan Vũ (giải Nhì) và 4 tác phẩm giải Ba: Chị Hòa của Học Phi, Lòng dân của Nguyễn Văn Xe, Ánh sáng Hà Nội của Hoàng Tích Linh, Mở nông giang của Nguyễn Khắc Dực và Việt ơi của Bửu Tiến. Giải nhất thơ trao cho tập Việt Bắc của Tố Hữu. Giải Nhì trao cho Đồng tháng támDặn con của Trần Hữu Thung, giải Ba trao cho Thơ chiến sĩ của Hồ Khải Đại [1, tr. 213].

5. Kết luận

Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng trong nhà trường) có quy cách biên soạn cụ thể, rõ ràng cho từng loại mục từ, tuy nhiên không phải mục từ nào cũng trình bày đúng theo bố cục đó. Người biên soạn sẽ tập trung phân tích kỹ một tác phẩm nào đấy của một tác giả, khi tác phẩm đó là một mũi nhọn nổi trội hẳn lên trên mặt bằng tác phẩm không mấy đặc sắc của nhà văn đó. Có những tác giả mà sự nghiệp bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực, khi đó sẽ được trình bày kỹ mặt tích cực vì người biên soạn luôn với tinh thần gạn đục khơi trong.

Về số trang dành cho mỗi tác giả cũng không cố định. Số trang lớn sẽ được ưu tiên cho các nhà văn lớn được chọn đưa vào chương trình giảng dạy môn Văn trong trường phổ thông như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh,... Ở các tác giả này, sau phần biên soạn của người viết còn có thêm một vài tư liệu tham khảo của các nhà nghiên cứu, phê bình. Tuy nhiên sự phân biệt này cũng chỉ mang tính tương đối. Số trang rộng rãi hơn cả vẫn được dành cho những tác giả thời trung đại, bởi những tư liệu về các tác giả này ít nhiều “đã bị bụi thời gian lâu ngày che phủ” và người đọc ngày nay ít có điều kiện tiếp xúc, nên cần cung cấp thông tin tỉ mỉ hơn.

Tóm lại, từ điển nhằm vào trước hết là đối tượng nhà trường, nên từ việc chọn mục từ đến lựa chọn tri thức thông tin và đánh giá đều có định hướng rõ ràng. Đại bộ phận các mục từ đều đảm bảo chính xác, tin cậy về nội dung tri thức, có chú ý cả hai yêu cầu cung cấp thông tin và đánh giá, do đó vừa cụ thể, chi tiết ở những điều cần cụ thể, lại có tính khái quát.

Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng trong nhà trường) hữu ích cho nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan và cho đông đảo bạn đọc quan tâm đến nền văn học nước nhà, cả những người nước ngoài muốn tìm hiểu di sản văn học phong phú và lâu đời của Việt Nam. Đây là một công trình từ điển bao gồm tác giả và tác phẩm văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XX không chia làm nhiều tập, rất thuận tiện cho việc sử dụng, lưu trữ trong thư viện và trong các tủ sách gia đình. Từ điển đã thừa hưởng được những kết quả nghiên cứu của giới nghiên cứu văn học Việt Nam lâu nay, kể cả các cuốn từ điển đã xuất bản, nhưng không phải là sự lặp lại mà đã cung cấp những tri thức và thông tin rất cơ bản, chọn lọc và cập nhật về các hiện tượng tác giả, tác phẩm. Có thể nói đây là cuốn từ điển tác giả, tác phẩm lần đầu tiên được xác lập tương đối hoàn chỉnh ở Việt Nam dùng trong nhà trường, đáp ứng một yêu cầu bức thiết của việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy môn văn trong nhà trường các cấp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Duy Tân, Nguyễn Như Ý, Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng trong nhà trường), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012.

[2] Viện Ngôn ngữ học, Một số vấn đề Từ điển học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.

 

HÀ THÙY DƯƠNG