Tóm tắt: Các Thánh truyện 各聖傳 là bộ sách Công giáo viết bằng chữ Nôm, do Linh mục dòng Tên người Ý Girolamo Majorica (1591-1656) cùng các trợ lý của ông biên soạn năm 1646. Bộ sách chứa đựng nhiều thông tin, tư liệu quý về các vị Thánh, gồm cuộc đời, giáo lý, hành trạng và những phép lạ của họ. Do dung lượng lớn gồm 12 tháng của năm mục vụ, và được nhiều người sao chép nên bản Nôm không tránh khỏi một số sai nhầm về mặt văn tự. Bài viết này tập trung khảo sát hiện tượng viết thiếu, viết thừa trong bản Nôm 4 tháng cuối năm (từ tháng 9 đến tháng 12). Trên cơ sở đó chỉ ra hệ quả, đồng thời gợi ý cho người đọc cách nhận diện những chỗ viết thiếu, viết thừa để hiểu đúng hơn nội dung tác phẩm.
Từ khóa: Các Thánh truyện, chữ Nôm Công giáo, viết thiếu, viết thừa.
Abstract: The Tales of the Saints 各聖傳 is a collection of Catholic hagiographies written in Nom script, compiled by Italian Jesuit Priest Girolamo Majorica (1591-1656) and his Vietnamese assistants in 1646. This collection contains a lot of valuable information and resources of the Christian Saints’ lives, their teachings, deeds or miracles. Due to the large size of twelve volumes corresponding to twelve months of liturgical year, and being copied by different Vietnamese people, the Nom manuscript of this work cannot avoid some errors in terms of writing. This article focuses on the phenomena of missing and redundantly writing words in the texts of the last four volumes (from September to December) in order to identify them and to better understand the content of Majorica’s work.
Keywords: Tales of the Saints, Catholic Nom script, missing words, redundantly writing words.
1. Giới thiệu văn bản
Các Thánh truyện là bộ sách Nôm tiêu biểu của Girolamo Majorica, có vai trò quan trọng trong đạo Công giáo. Trong bản Nôm, dòng đề tặng đầu sách ghi tên tác giả và mục đích: 𣳔德主支秋支由尼模梅烏移歌爫冊尼敬鄧各聖 “Dòng Đức Chúa Giêsu, Girolamo Majorica làm sách này kính dâng các Thánh” [3, Tháng Giêng, tr.490] (dưới đây viết tắt “tháng” là T.). Sách kể lại cuộc đời các vị Thánh cùng những sự kiện quan trọng của bổn đạo mỗi ngày trong năm, chia thành 12 tháng, nhưng tháng 6 thất truyền (trong Thư viện Quốc gia Pháp cũng không còn), tổng cộng 11 tháng là 1.686 trang, mỗi tháng trình bày lần lượt theo ngày, mỗi ngày 1-3 truyện (đa số là 1 truyện), tuy nhiên có vài ngày không có truyện, phần lớn mỗi truyện được chép trọn trong 1 đoạn văn Nôm.
Các Thánh truyện có thể tồn tại vài bản khác nhau. Tác giả Hoàng Xuân Hãn từng viết bài: Girolamo Majorica, ses oeuvres en langue Vietnamienne conserves à la Bibliothèque Nationale de Paris giới thiệu tác phẩm Nôm của Girolamo Majorica, trong đó có một đoạn ngắn nói về bộ sách này. Bản Hoàng Xuân Hãn sử dụng (mã cũ: Chinois 375, mã mới: B13) có các chi tiết tương ứng với bản chúng tôi hiện có: “Chương 12 ghi ngày hoàn thành tác phẩm Khánh Đức nhị niên, tức là năm 1650. Cuối chương 5 cho biết ngày kết thúc tác phẩm Tuế thứ Canh Thân Cửu nguyệt Sơ Thập nhật (Năm Canh Thân, tháng 9, ngày mùng 10), có lẽ là năm 1680” [2, tr.210]. Nhưng các chi tiết khác như “dòng ghi bằng chữ Latinh tên sách và dòng ghi chú đề ‘Chủng viện giáo đoàn thừa sai nước ngoài’, ký hiệu bằng chữ Quốc ngữ cổ đưa ra cách phát âm của một vài ký tự trong chương 5 và đặc biệt là đã đề cập đến Vito Tri ở đầu chương 7” [2, tr.210] và “chương 11 và 12 ghi tên của một người tên Hiên nào đó” [2, tr.211] thì không có trong bản của chúng tôi, nhưng có trong bản gốc ở Thư viện Quốc gia Pháp, là chữ viết tay mẫu tự Latinh, mà theo Hoàng Xuân Hãn, có lẽ của người ở thế kỷ XVII. Bởi vì, bản của chúng tôi là bản chụp lại và có phần phiên sang chữ Quốc ngữ, do nhóm dịch thuật Hán Nôm Công giáo thực hiện dưới sự điều hành của linh mục Thanh Lãng, sau là linh mục Nguyễn Hưng, xuất bản năm 2003. Bản này không chụp trang bìa mà Hoàng Xuân Hãn miêu tả.
Theo bản chúng tôi hiện có, 11 tháng tổng cộng 335 ngày, trong đó 243 ngày có 1 truyện, 86 ngày có 2 truyện, 4 ngày có ba truyện. T.9 có ngày 19 và ngày 26 không có truyện. Các tháng nhiều truyện nhất là T.Giêng, T.5, T.8 (41 truyện), ít truyện nhất là T.11 (35 truyện), còn lại dao động giữa số lượng 37-39. 11 tháng này có tổng cộng 425 truyện, trong đó về nhân vật, truyện riêng Ông Thánh là 286, truyện riêng Bà Thánh là 75, truyện chung các Ông Thánh là 26, truyện chung các Bà Thánh là 3, truyện chung các Ông Thánh Bà Thánh là 9; về sự kiện, có 228 truyện về Thánh tu hành, 168 truyện về Thánh tử đạo, 29 truyện về các sự kiện khác. Số lượng Thánh gồm 413 Thánh Ông (kể cả Đức Chúa Giêsu), 92 Thánh Bà; ngoài ra còn rất nhiều Thánh khác tử đạo cùng với một số trong các Thánh ấy.
Người chép các tháng của bộ sách là khác nhau, cụ thể: Người chép T.9, T.10 với người chép T.11, T.12 không phải là một. Chữ viết T.11, T.12 khác chữ viết T.9, T.10. Chữ viết T.11, T.12 tuy to hơn nhưng không đều, cũng không đẹp bằng; ở T.12 chữ viết càng về sau càng xấu và nhiều sai sót, thể hiện qua dấu hiệu tẩy xóa và chữ viết chêm vào bên cạnh khoảng trống giữa hai chữ để bổ sung chữ bị viết thiếu. Cách viết cũng khác, T.9, T.10 tên tháng chép theo cấu trúc chữ Hán 九月, 十月, số ngày cũng viết theo cấu trúc chữ Hán (十月三十一日 tháng 10 có 31 ngày), T.11, T.12 chép bằng chữ Nôm 倘邁蔑, 倘邁咍; số ngày cũng viết bằng chữ Nôm (倘邁咍固巴邁蔑𣈜 tháng 12 có ba mươi một/mốt ngày). T.9, T.10 chép chữ “một” theo kiểu mượn âm Hán Việt đọc chính xác là 沒, T.11, T.12 chép theo kiểu mượn âm Hán Việt đọc chệch là 蔑 (miệt > một). Những hiện tượng trên chứng tỏ hai người chép khác nhau.
Về thời gian biên chép, chúng tôi dựa vào tự dạng Nôm của chữ “trời” để bước đầu đoán định. Chúng tôi tìm được 3 hình thức viết chữ “trời” khác nhau là , 𡗶, . Hình thức (blời) ghi tổ hợp phụ âm đầu trong tiếng Việt cổ trung đại, là cách viết chữ “trời” sớm nhất. Cách viết này muộn nhất đã được ghi nhận trong Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt - Bồ - La) của A. de Rhodes, soạn năm 1651 [3, tr.127]. Về sau, phụ âm [b] bị triệt tiêu, phụ âm [l] dần chuyển hóa thành [tr], “blời” đọc thành “trời” trong tiếng Việt hiện đại, nên xuất hiện hai hình thức 𡗶, thể hiện đúng cách phát âm [1, tr.489] [4, tr.376]. Tuy nhiên, trong Các Thánh truyện, chúng tôi thấy hình thức xuất hiện ở T.9 (trang 291 - dòng 2), còn 𡗶 lại xuất hiện ở T.Giêng (490-3), T.7 (154-1). Điều này cho thấy ngoài việc người chép văn bản các tháng là khác nhau, mà niên đại chép các tháng cũng không theo đúng trình tự.
2. Hiện tượng chép thiếu, chép thừa trong bản Nôm Các Thánh truyện
Các Thánh truyện là bộ sách đồ sộ nên không tránh khỏi sai nhầm trong việc biên chép. Hiện tượng đánh ký hiệu đảo vị trí chữ chép nhầm hoặc chép chen chữ vào bên phải khoảng giữa hai chữ đã có để bổ sung chữ chép thiếu là hiện tượng thường thấy trong các văn bản Hán Nôm. Tuy nhiên, trong Các Thánh truyện, có một số hiện tượng sai nhầm không được chỉnh sửa hoặc không được người chép phát hiện, tiêu biểu là hiện tượng chép thiếu chữ và chép thừa chữ. Riêng trong 4 tháng cuối năm, thống kê được 137 câu thiếu chữ với tổng cộng 143 lượt chữ, 100 câu thừa chữ với tổng cộng 113 lượt chữ.
2.1. Hiện tượng chép thiếu
Hiện tượng chép thiếu xuất hiện khá nhiều trong văn bản 4 tháng, diễn ra ở nhiều từ loại và dễ dàng được phát hiện qua cấu trúc, ngữ cảnh, ý nghĩa của câu. Gồm các loại như sau:
2.1.1. Thiếu danh từ (chữ trong dấu ngoặc vuông bị chép thiếu): (1) “Người muốn dâng mình cho Đức [Chúa Trời]” (T.9, 165-1); (2) “Thì cũng sang trọng trước mặt các [Thánh] hơn nữa” (T.10, 185-3). Có tất cả 72 lượt danh từ bị chép thiếu, trong đó một số danh từ bị chép thiếu 2 lần (Pha pha, người, ngày, Chúa, lòng), 3 lần (quan, mình), 7 lần (Thánh).
2.1.2. Thiếu đại từ: (1) “Bấy giờ, [bà] ấy sinh đẻ đoạn” (T.10, 295-5); (2) “Bỗng chốc thấy sáng ra [cả] và nhà thờ” (T.11, 273-1). Có tất cả 11 lượt đại từ bị chép thiếu, trong đó có 1 đại từ bị chép thiếu 4 lần (kẻ).
2.1.3. Thiếu động từ: (1) “Bà này [chê] mọi sự vui vẻ ở thế gian” (T.9, 193-1); (2) “Năng [mời] mười hai người ăn cơm cùng” (T.10, 206-5). Có tất cả 37 lượt động từ bị chép thiếu, trong đó một số động từ bị chép thiếu 2 lần (giữ, có, bỏ, thờ, cho), 3 lần (là).
2.1.4. Thiếu tính từ: (1) “Làm nhiều sách ý [cao] dạy người ta” (T.9, 187-4); (2) “Tôi toan làm sự [dữ] cùng Chúa tôi, mà Chúa tôi làm lành cho tôi làm vậy” (T.12, 292-2). Có tất cả 5 lượt tính từ bị chép thiếu, trong đó 1 tính từ bị chép thiếu 2 lần (gần).
2.1.5. Thiếu phó từ: (1) “Kẻ gian lại cắt lưỡi Người, dù mà đã cắt [vẫn] nói được” (T.10, 282-5); (2) “Chẳng có nói lời gì dạy người ta mà Người [chẳng] làm trước” (T.10, 285-8). Có tất cả 13 lượt phó từ bị chép thiếu, trong đó một số phó từ bị chép thiếu 2 lần ([bấy] giờ), 6 lần (chẳng).
2.1.6. Thiếu giới từ: (1) “Có ai chịu chết [vì] đạo thì chẳng cất” (T.9, 224-6); (2) “Xin [cho] tôi tá mọn này chớ cầm tù rạc xác nữa” (T.10, 290-4). Có tất cả 3 lượt giới từ bị chép thiếu, trong đó 1 giới từ bị chép thiếu 2 lần (cho [biết]).
2.1.7. Bên cạnh đó có vài trường hợp chép thiếu một yếu tố của từ ghép: (1) thiếu động từ: “Cùng một ngày khi sinh [thì], liền hiện đến cùng Vít vồ thành Sêbántô mà rằng” (T.10, 262-1); (2) thiếu phó từ: “Bấy [giờ] Người nước mắt chảy ra” (T.10, 252-1).
Ở nhóm danh từ, ngoài các danh từ chung thông thường, hiện tượng chép thiếu còn diễn ra ở danh từ ghi tên Thánh, chức danh, thuật ngữ Công giáo:
(1) Thiếu tên Thánh: “Thánh Ighê-[rêxa] được những sách có lẽ cao mầu nhiệm lắm” (T.10, 248-9). Có tất cả 5 tên Thánh bị chép thiếu.
(2) Thiếu chức danh: “Ông Thánh này ở thành Rôma, đời ông Thánh Ghêrêgôriô Pha [pha], có nhiều công cùng Đức Chúa Trời” (T.9, 277-1). Trong 4 tháng cuối năm có ghi nhận một số chức danh như Pha pha, Vít vồ, Rimuôngônô, Sasedotê, nhưng chỉ có chức danh Pha pha bị chép thiếu.
(3) Thiếu thuật ngữ: “Dù mà chẳng có chết chảy máu ra cùng được phúc máttê-[ri]” (T.9, 158-5). Có tất cả 3 thuật ngữ bị chép thiếu.
Nếu xét chung danh từ tên Thánh, chức danh, thuật ngữ, địa danh phiên âm từ tiếng Latinh thì có tất cả 12 danh từ bị chép thiếu, trong đó chức danh Pha pha bị chép thiếu 2 lần.
Tiêu chí chủ yếu xét từ loại là dựa vào kết cấu từ cùng vị trí, ý nghĩa của từ đó trong câu. Có những từ khi chưa hành chức thì mang một từ loại nhất định, nhưng khi vận dụng vào câu lại trở thành một từ loại khác. Ví dụ chữ “gần” khi chưa hành chức là tính từ, nhưng trong câu “Sự trước Người được ở gần câu rút” (T.12, 188-4)” được xếp vào phó từ vì nó có vai trò tu sức cho động từ “ở”.
Việc chép thiếu đương nhiên ảnh hưởng đến hiệu quả diễn đạt của câu. Có trường hợp khiến câu tối nghĩa: “Bà Thánh Yêugiênia là [con] ông Thánh Philiphê” (T.9, 255-7). Câu này chép thiếu chữ “con” nên tân ngữ và chủ ngữ chỏi nhau, gây khó hiểu cho người đọc. Có trường hợp khiến ý nghĩa khác đi: “Thì vua [ép] tế lễ quỷ như kẻ khác” (T.9, 199-7). Câu này có hoặc không có động từ “ép” thì chủ ngữ của “tế lễ quỷ” hoàn toàn khác nhau. Thậm chí có trường hợp khiến ý nghĩa trái ngược, như câu nói về đức tính của Thánh Rêmikhitô: “Chẳng có nói lời gì dạy người ta mà Người [chẳng] làm trước” (T.10, 285-8). Chữ “chẳng” là phó từ phủ định đóng vai trò mấu chốt của câu, thiếu chữ này thì ý nghĩa lập tức trái ngược với ý cần diễn đạt.
Như đã nói, những trường hợp thiếu chữ nói trên khá dễ nhận biết qua cấu trúc, ngữ cảnh, ý nghĩa của câu. Tuy rằng nếu chỉ dựa vào bản Nôm thì có những trường hợp không biết thiếu chữ gì, nhưng biết chắc chắn là thiếu chữ. Những chữ thiếu cụ thể đã dẫn ra ở trên là chúng tôi đối chiếu với bản phiên âm.
Danh từ là từ loại bị chép thiếu nhiều nhất (72 lượt), ít nhất là giới từ (3 lượt). Điều này dễ hiểu, vì danh từ là một trong những từ loại thông dụng nhất, nên xác suất chép thiếu cao hơn, giới từ ít thông dụng hơn, nên xác suất chép thiếu ít hơn. Có hai loại danh từ quan trọng của Công giáo bị chép thiếu nhiều là “Thánh” (7 lần) và tên riêng của Thánh (5 tên riêng). Đó là chưa kể một số danh từ khác thuộc bổn đạo có số lần chép thiếu ít hơn (Chúa, 2 lần; Chúa Trời, 1 lần; [Chúa] Trời, 1 lần; Pha pha, 1 lần). Điều đáng nói, một bộ sách Công giáo có ý nghĩa và giá trị cao đối với các Linh mục và tín đồ nói chung mà chép thiếu danh từ quan trọng của bổn đạo, bên cạnh lý do khách quan (nếu có) còn cho thấy sự thiếu cẩn trọng của người biên chép.
2.2. Hiện tượng chép thừa
Hiện tượng chép thừa cũng dễ dàng được phát hiện trực tiếp từ mặt chữ, có thể là một chữ hoặc một kết cấu cùng hoặc không cùng một từ (chim ấy, lên trời, xác liền, dạy làm sao). Ở đây chúng tôi xét 4 trường hợp chữ thừa: chữ thừa lặp lại, chữ thừa nhầm vị trí, chữ thừa khác nghĩa, chữ thừa tối nghĩa.
2.2.1. Chữ thừa lặp lại:
Chữ nào đã xuất hiện trước đó trong câu, sau đó xuất hiện nữa mà vô nghĩa thì xếp chữ thứ hai vào trường hợp này. Hai chữ này thường đứng kề nhau, chỉ có vài trường hợp cách nhau một vài chữ. Trường hợp này chiếm số lượng nhiều nhất trong hiện tượng chép thừa. Bốn tháng cuối năm có 37 câu chép thừa với 47 lượt chữ, trong đó chữ “chẳng” thừa 3 lần, “Đức Chúa” thừa 2 lần.
Vài câu minh họa (chữ trong dấu ngoặc vuông bị chép thừa): (1) “Nhưng le Đức Chúa [Đức Chúa] Trời hay chữa kẻ ngay thật cho người khỏi xấu hổ” (T.9, 158-1); (2) “Lại cho năm áo [áo] cùng nhiều bạc nữa” (T.9, 242-7).
Nguyên nhân có lẽ do người chép đã chép chữ đó rồi mà quên hoặc nghĩ là chưa chép nên chép nữa, nên những chữ thừa này thường nằm kề nhau. Do nằm kề nhau nên đây là trường hợp dễ nhận diện nhất trong hiện tượng chép thừa. Những chữ thừa này cơ bản không gây hiểu nhầm hay tạo ra nghĩa khác nên không ảnh hưởng nhiều đến nội dung chung.
2.2.2. Chữ thừa chép nhầm vị trí
Chữ nào đáng lý nằm ở vị trí khác trong câu mới hợp nghĩa mà không nằm đúng vị trí thì xếp vào trường hợp này; hoặc chữ nào xuất hiện hai lần trong câu, mà chữ trước vô nghĩa (hai chữ này phần lớn không đứng kề nhau mà thường cách nhau một hoặc vài chữ) thì xếp chữ trước vào trường hợp này. Bốn tháng cuối năm có 11 lượt chữ chép nhầm vị trí, trong đó “chẳng” bị chép nhầm 2 lần.
Vài câu minh họa: (1) “Tội lỗi Bụt làm [ở] khi còn ở thế gian” (T.10, 247-7); (2) “Giảng đạo Thánh Đức Chúa Trời cho kẻ tối tăm [tối] được sáng láng” (T.10, 274-9); (3) “Sự trước Người được [gần] khi ở gần câu rút” (T.12, 188-4).
Trường hợp này chủ yếu do lúc đầu người chép định diễn đạt theo một cách, nhưng sau đó đổi cách diễn đạt khác (có thể theo người chép là phù hợp hơn), nhưng không đánh dấu xóa chữ ở cách diễn đạt lúc đầu, thành ra chữ đó trở nên thừa thãi. Cụ thể như câu (1) lúc đầu định chép là “Tội lỗi Bụt làm ở thế gian”, nhưng sau đó diễn đạt lại là “Tội lỗi Bụt làm khi còn ở thế gian” nên thừa chữ “ở” phía trước. Câu (2) lúc đầu định chép là “kẻ tối tăm”, nhưng sau đó diễn đạt lại là “kẻ tăm tối” nên thừa chữ “tối” phía trước, tuy hai cách nói đều có nghĩa, nhưng do chữ “tối” thứ hai là chữ xuất hiện sau, nên chúng tôi xem là chữ thừa. Câu (3) đặt chữ “gần” ở vị trí [x] có lẽ vốn định chép là “được gần câu rút”, sau đó đổi lại là “được khi ở gần câu rút” nên thừa chữ “gần” phía trước.
Có trường hợp chữ thừa gây hiểu nhầm, như chữ “mọi” trong câu “Vì kẻ [mọi] thấy gương mọi phúc đức, sự lành, thì chẳng bằng kẻ chẳng thấy” (T.9, 239-7). Đây là câu trong truyện Ông Thánh Giuse Giacốp truyện. Chủ thể của câu là những người trông thấy và kính mộ đức lành của ông Thánh Giuse. Chủ thể đó được gọi chung là “kẻ”, không phải là “kẻ mọi”, và chắc chắn rằng, người trong bổn đạo không bao giờ gọi ai là “kẻ mọi”. Hai chữ “mọi” đồng âm nhưng khác từ loại và ý nghĩa, trong đó chữ “mọi” ở đứng sau chữ “kẻ” (kẻ mọi) vô tình gây hiểu nhầm cho người đọc.
Qua khảo sát, trường hợp chữ thừa có thể gây hiểu nhầm không nhiều, vì vậy cơ bản những chữ thừa này cũng không gây nhiều trở ngại cho việc tiếp nhận đúng ý nghĩa của câu và nội dung chung của tác phẩm.
2.2.3. Chữ thừa khác nghĩa
Trường hợp này chỉ về 1 chữ thừa duy nhất nhưng gây khác nghĩa, hoặc 1 trong 2 chữ (lặp lại, nhầm vị trí) gây khác nghĩa. Bốn tháng cuối năm có 12 lượt chữ thừa khác nghĩa, trong đó “chẳng” bị chép thừa 3 lần.
Vài câu minh họa: (1) “Hai [ông] Thánh này là anh em sinh ra ở thành Gôduvơ” (T.9, 230-7); (2) “Mà Người [ta] ở khiêm nhường càng lạ hơn nữa” (T.10, 225-4); (3) “Cũng [chẳng] được sự mầu nhiệm ở trên trời” (T.11, 202-4).
Chữ thừa xuất hiện ở các câu trên khiến ý nghĩa câu khác đi, thậm chí trái ngược với ý cần diễn đạt. Câu (1) là câu đầu tiên trong truyện Ông Thánh Asicô cùng Bà Thánh Vitôria tử vì đạo giới thiệu hai vị Thánh là anh em của nhau, một ông một bà, nên nói “hai ông Thánh này” là thừa chữ “ông”. Câu (2) nói về đức tính Bà Thánh Magarita trong truyện Bà Thánh Magarita con vua truyện, chữ “Người” dùng làm đại từ chỉ Bà Thánh Magarita, nếu nói “người ta” là chỉ đối tượng khác. Đặc biệt, phó từ phủ định “chẳng” cũng được tìm thấy ở trường hợp này, cụ thể là câu (3), sự có mặt hay vắng mặt của chữ này có tính quyết định đối với ý nghĩa cả câu, có khi của toàn câu chuyện. Trong những trường hợp này, để nhận ra chữ thừa, cũng như hiểu đúng ý nghĩa của câu, người đọc cần đọc cẩn trọng và nắm rõ ngữ cảnh để tránh hiểu nhầm.
2.2.4. Chữ thừa tối nghĩa:
Đây là những chữ mà sự xuất hiện của nó không thể hiện một ý nghĩa rõ ràng, ngược lại, nó tối nghĩa, gây khó hiểu cho người đọc. Bốn tháng cuối năm có 30 lượt chữ thừa tối nghĩa, đứng thứ hai sau chữ thừa lặp lại (47 lượt chữ).
Vài ví dụ minh họa: (1) “Đức Chúa Trời chẳng cho [nên] kẻ giết người ở vui bao lâu” (T.9, 174-8); (2) “Ông [mà] già khiến Giuse đi thăm” (T.9, 250-2); (3) “Từ Đức Chúa Giêsu ra đời [lên trời] cho đến ông Thánh này được 226 năm” (T.10, 217-5).
Các chữ thừa trên đây không đáp ứng được điều kiện về ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ cảnh. Sự xuất hiện của chúng có khi tạo ra câu trúc trắc, gây khó hiểu, thậm chí là cách dùng không phù hợp với cách nói thông thường trong bổn đạo. Ở câu (1), “cho” là động từ, “cho nên” là liên từ. Chỉ có động từ “cho” mới phù hợp ngữ pháp và ý nghĩa của câu, còn liên từ “cho nên” ở vị trí này trở nên lạc lõng. Câu (2) chép trong Ông Thánh Giuse Giacốp truyện nói việc người cha (ông già) bảo người con trai út Giuse đi thăm các anh đang chăn cừu. Chữ “mà” ở vị trí này không phù hợp cấu trúc ngữ pháp và ý nghĩa của câu, vì yếu tố đứng trước động từ (khiến) phải là một danh từ chứ không thể là một vế câu. Câu (3) thì lịch Thiên chúa tính niên đại từ khi Chúa Giêsu ra đời chứ không phải từ khi Đức Chúa lên trời. Tất cả truyện còn lại trong bộ sách khi tính niên đại các Thánh cũng đều nói là “từ Đức Chúa Giêsu ra đời”. Vậy “lên trời” là cách nói sai. Khó hiểu hơn là cụm từ “ra đời” ngay trước đó đã đúng mà người chép lại chép thêm cụm từ “lên trời” ở sau đó.
Ngoài ra, có trường hợp chữ thừa không thuộc 4 kiểu nói trên, nó chỉ xuất hiện duy nhất 1 lần trong câu, tức là không phải lặp lại, không phải nhầm vị trí, và đọc thoáng qua thì thấy rất suôn sẻ, nhưng vẫn là chữ thừa vì sự có mặt của nó không phù hợp với ý nghĩa và cách nói trong bổn đạo. Như chữ “sinh” trong câu “Người chịu đoạn, liền sinh thì, linh hồn [sinh] lên Thiên Đàng” (T.12, 273-1). Chúng tôi chỉ thấy trong bổn đạo nói “lên Thiên Đàng” chứ không nghe nói “sinh lên Thiên Đàng”.
Cũng có trường hợp trong câu có 2 chữ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa, nếu chỉ 1 trong 2 chữ thì đúng, nhưng cả 2 cùng xuất hiện thì thừa 1 chữ. Trường hợp 2 chữ “hay”, “một” trong câu “Hay một ở hiền lành ngay thẳng” (T.10, 294-1), nói “Hay ở hiền lành ngay thẳng” hoặc “Một ở hiền lành ngay thẳng” đều được, nhưng “Hay một […]” thì thừa 1 chữ. Có thể lúc đầu định chép chữ “hay” (thường), nhưng sau đó thấy chữ này chưa đắt về ý nghĩa, nên chép lại là “một” (luôn). Dùng chữ “một” có ý nhấn mạnh hơn về mặt ý nghĩa khi nói về bản tính một người, vì vậy câu này dùng chữ “một” thích hợp hơn.
Có thể số lượng thống kê trên chưa hoàn toàn đầy đủ, và cách lý giải chưa hoàn toàn thuyết phục, nhưng cũng cho thấy chép thiếu, chép thừa là hiện tượng tồn tại thực sự trong văn bản, phần nào phản ánh hiện trạng văn bản. Xét từng trường hợp cụ thể, có trường hợp không gây ảnh hưởng nhiều đến ý nghĩa câu và nội dung truyện, nhưng cũng có trường hợp làm cho khác nghĩa, trái nghĩa, thậm chí sai nghĩa so với ý thực sự muốn diễn đạt. Điều này đòi hỏi người đọc phải theo dõi kỹ, nắm chắc ngữ cảnh của câu chuyện cũng như ngữ cảnh cụ thể của câu để có thể nhận ra và hiểu đúng.
3. Kết luận
Trên đây là khảo sát bước đầu về hiện tượng chép thiếu, chép thừa trong 4 tháng cuối năm của Các Thánh truyện của Girolamo Majorica. Thiện chí của người viết là chỉ ra những hệ quả mà hiện tượng này đem lại, đồng thời gợi một vài phương cách để người đọc chú ý, nhận diện những chỗ thiếu thừa, nhằm tiếp nhận nội dung bộ sách một cách đầy đủ, chính xác. Dù tồn tại một số sai nhầm nhưng không thể phủ nhận giá trị và đóng góp to lớn của bộ sách đối với các lĩnh vực tôn giáo, văn học, lịch sử, ngôn ngữ, văn tự,… của nước nhà.(*)
CHÚ THÍCH
(*) Nghiên cứu này thuộc đề tài mã số 2019-18b-04 do Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc âm tự vị, Sai Gon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 1895.
[2] Hoàng Xuân Hãn, Girolamo Majorica, ses oeuvres en langue Vietnamienne conserves à la Bibliothèque Nationale de Paris, trong: Commentarii S. Francisco Xaverio Sacri 1552-1952, Archivum Historicum Soietatis Iesu, 1953, Vol. 22, Romae (Bản dịch của Trần Thị Phương Phương, chưa công bố).
[3] Nguyễn Hưng, Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2000.
[4] Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Taberd, J. L., Dictionarium Anamitico Latinum, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004.
NGUYỄN ĐÔNG TRIỀU