Tóm tắt: Bài viết so sánh, đối chiếu các nét nghĩa trong từ điển của từ đầu trong tiếng Việt (Việt Nam) và từ หัว trong tiếng Thái (Thái Lan) nhằm chỉ ra sự tương đồng và khác biệt về ngữ nghĩa của hai từ cùng chỉ một bộ phận trên cơ thể con người (và động vật) của hai ngôn ngữ khác nhau. Qua đó thấy được một số nét khác biệt về văn hóa giữa hai đất nước.
Từ khóa: Đầu, tương đồng, khác biệt, tiếng Việt, tiếng Thái.
Abstract: The article contrasts the meanings of the words đầu in Vietnamese with หัว in Thai in dictionaries to show the semantic similarities and differences between two words referring to the same body part of human (and animal) of two different languages. In this way, the article shows some cultural differences between two countries.
Keywords: Head, similarities, differences, Vietnamese, Thai.
1. Đặt vấn đề
Ngôn ngữ học so sánh, đối chiếu là một phân môn của ngôn ngữ học, sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu nhằm tìm ra sự giống và khác nhau giữa hai ngôn ngữ. Thuật ngữ đối chiếu, đối sánh thường được dùng để chỉ phương pháp hoặc phân ngành nghiên cứu lấy đối tượng nghiên cứu chủ yếu là hai hay nhiều ngôn ngữ. Mục đích của nghiên cứu là làm sáng tỏ những nét giống và khác nhau hoặc chỉ làm sáng tỏ những nét khác nhau theo nguyên tắc nghiên cứu đồng đại.
Tiếng Việt và tiếng Thái cùng thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập và việc nghiên cứu so sánh đối chiếu tiếng Việt và tiếng Thái vẫn đang được tiếp tục duy trì, phát triển và mở rộng ở cả hai nước. Bài viết này cũng đi theo hướng đó, nhằm mục đích chỉ ra những nét tương đồng và khác biệt trong cách sử dụng hai từ cùng chỉ về một bộ phận cơ thể người và động vật ở hai đất nước khác nhau. Từ đó, độc giả thấy được một số nét riêng mang đặc trưng văn hóa của từng đất nước.
2. Lý thuyết
Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu du nhập vào Thái Lan từ những năm 1950 và Việt Nam từ những năm 1960 của thế kỷ XX, từ đó việc nghiên cứu và học tập tiếng Việt ở Thái Lan và tiếng Thái ở Việt Nam đã được hình thành. Nhiều đề tài so sánh đối chiếu tiếng Thái và tiếng Việt đã ra đời, trong đó có các công trình nghiên cứu so sánh đối chiếu tiếng Thái Lan và tiếng Việt trên cấp độ ngữ âm - âm vị học và một số lĩnh vực cụ thể về ngữ pháp. Có thể kể đến một số công trình nghiên cứu sau: Wassana Namphong với luận án tiến sĩ So sánh đối chiếu ngữ pháp tiếng Thái Lan và tiếng Việt; Huỳnh Văn Phúc với luận văn thạc sĩ Phân tích đối chiếu hệ thống âm vị Nam bộ Việt Nam và âm chuẩn Thái Lan; Nguyễn Tương Lai với Hình vị và từ tiếng Thái Lan;... Thời gian gần đây, việc nghiên cứu có thể kể đến: Nguyễn Tương Lai Ngữ âm tiếng Thái Lan trong sự so sánh với tiếng Việt; Patthida Bunchavalit Sự biến đổi thanh điệu ở những âm tiết có cách phát âm gần nhau của người Việt Kiều ở tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan (The Vietnamese Tones Variation in Closed Syllable of the Viet Kieu in Nakhon Phanom Province Thailand);...
So sánh là một thao tác tư duy mang tính phổ quát của nhân loại. Nhờ so sánh mà con người phát hiện ra nhiều thuộc tính và quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng trong thế giới. Khi so sánh, để làm rõ những điểm giống nhau và khác nhau giữa các sự vật, hiện tượng, người ta thường chỉ so sánh các sự vật, hiện tượng cùng phạm trù, cùng loại và dựa trên một giả định là hai đối tượng đó có điểm chung. Ví dụ, tiếng Việt và tiếng Thái đều cùng thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập chính là nền tảng cơ sở chung đầu tiên, là cái nền chung cho mọi so sánh giữa tiếng Việt và tiếng Thái.
Trong đối chiếu ngôn ngữ, người đối chiếu lựa chọn những đơn vị ngôn ngữ tương đương để đối chiếu với nhau và dựa vào những cơ sở để so sánh. “Cơ sở so sánh hay gọi là cái nền so sánh (tertium comparationis - TC) không chỉ quyết định khả năng so sánh mà còn chi phối đến kết quả so sánh. TC chính là trung tâm của sự so sánh” [2, tr.98]. Ví dụ: khi nói rằng phụ âm của tiếng Thái nhiều hơn phụ âm của tiếng Việt thì TC ở đây chính là số lượng phụ âm (tiếng Thái có 44 phụ âm và tiếng Việt có 17 phụ âm). Nếu không có TC, chúng ta không thể so sánh được. TC không phải là một cái gì đó chung chung làm cơ sở cho sự đối chiếu, mà phải thể hiện một đặc điểm nào đó có ý nghĩa quan trọng ở một mức độ nhất định đối với các ngôn ngữ được đối chiếu. Qua so sánh, người nghiên cứu xác định được những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai đối tượng được mang ra để so sánh.
Hiện nay, hướng nghiên cứu so sánh đối chiếu từ vựng giữa các ngôn ngữ khác nhau chiếm một vị trí quan trọng trong nghiên cứu ngôn ngữ. Các từ vựng (hoặc trường từ vựng) thường được chọn để nghiên cứu có tính chất phổ biến, thông dụng như: từ chỉ bộ phận cơ thể người, từ chỉ sự chuyển động, từ chỉ màu sắc, từ chỉ động vật,… Ngôn ngữ của một tộc người, một đất nước phụ thuộc chặt chẽ vào nền văn hóa của họ. Vì vậy, khi nghiên cứu một đơn vị từ vựng cùng biểu thị một khái niệm trong các ngôn ngữ khác nhau, “một số nét nghĩa của từ vựng đó được tìm thấy trong nền văn hóa này nhưng có thể không tồn tại trong nền văn hóa khác. Bởi, các ngôn ngữ khác nhau không chỉ có sự lựa chọn khác nhau về âm thanh để biểu đạt ý niệm mà còn khác nhau ở chính cách thức tạo ra những từ ngữ đó” [2, tr.198]. “Bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có thể biểu đạt bất kỳ ý nghĩa gì được các ngôn ngữ khác biểu đạt. Đó là nền tảng quan trọng cho việc đối chiếu về từ vựng, ngữ pháp và ngữ dụng” [2, tr.102]. Qua nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ, người nghiên cứu có thể phát hiện được một trường hợp, một nét nghĩa, một đơn vị, một cấu trúc, một hiện tượng ngôn ngữ có trong ngôn ngữ này nhưng lại không có trong ngôn ngữ kia. Đây cũng chính là TC của bài viết.
3. Phạm vi nghiên cứu
Bài viết sử dụng hai cuốn từ điển để làm cơ sở so sánh đối chiếu các nét nghĩa của từ đầu trong tiếng Việt và từ หัว trong tiếng Thái, đó là: Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê (Chủ biên), Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2010) và ไทยพจนานุกรม (Từ điển tiếng Thái) (Nxb. Namibook Publication, Băng Cốc, 2013).
4. Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu để chỉ ra những nét tương đồng và khác biệt giữa các nét nghĩa của đầu trong tiếng Việt và từ หัว trong tiếng Thái. Thủ pháp thống kê, phân loại được dùng để tổng hợp và phân loại các cụm từ có từ đầu trong tiếng Việt và từ หัว trong tiếng Thái. Thủ pháp miêu tả được sử dụng để miêu tả hệ thống những đơn vị so sánh, cụ thể: hình vị, từ, cụm từ và các vấn đề cụ thể khác của tiếng Việt và tiếng Thái. Ngoài ra, bài viết cũng sử dụng thủ pháp so sánh để chỉ ra những nét tương đồng và khác biệt giữa các nét nghĩa của đầu trong tiếng Việt và từ หัว trong tiếng Thái.
5. Kết quả nghiên cứu
5.1. Các nét nghĩa của từ đầu và từ หัว
Các nét nghĩa của từ đầu trong Từ điển tiếng Việt [6, tr.392] và từ หัว trong ไทยพจนานุกรม (Từ điển tiếng Thái) [9, tr.2891] được tổng hợp như sau:
Chúng tôi thấy rằng: Các nét nghĩa của từ đầu trong tiếng Việt và từ หัว trong tiếng Thái về cơ bản là giống nhau bởi vì hai từ này đều là từ chỉ cùng một bộ phận trên cơ thể con người hoặc động vật. Tuy nhiên, tiêu chí để phân chia ra thành các nét nghĩa của các nhà nghiên cứu người Việt và người Thái không hoàn toàn trùng khớp với nhau. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi tổng hợp các nét nghĩa trong từ điển của hai từ trên và đưa ra các tiêu chí phân loại chung đảm bảo bao quát được việc phân chia tư liệu khảo sát một cách toàn diện nhất. Các tiêu chí phân loại chung và kết quả như sau:
Từ đầu của người Việt và từ หัว của người Thái mặc dù có những nét nghĩa chung nhưng hoàn cảnh sử dụng của chúng ở các tiểu loại cụ thể có điểm không giống nhau.
5.2. Các ví dụ minh họa cụ thể
5.2.1. Các nét nghĩa chung
5.2.1.1. Phần xuất phát điểm của một khoảng thời gian, không gian; đối lập với cuối
* Giống nhau:
- Cùng chỉ một hiện tượng tự nhiên có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Ví dụ: Đàn cá đang bơi dần về phía đầu con nước lên; ฟู้งปลากำลังค่อยๆว่ายไปทางหัวน้ำขึ้น;…
- Cùng chỉ điểm bắt đầu vào một địa phận dân cư, vùng dân cư sinh sống. Ví dụ: Ngày nghỉ, đầu làng cuối xóm có nhiều người đến chơi; วันหยุดหัวบ้านท้ายบ้านมีคนมาเล่นมาก;…
- Cùng chỉ mốc thời gian bắt đầu của một khoảng thời gian có mở đầu và kết thúc. Ví dụ: Bây giờ là khoảng thời gian đầu năm; ตอนนี้เป็นช่วงเวลาของหัวปี; Đầu giờ làm việc, mọi người đều gặp nhau ở phòng họp; หัวทีทำงานทุกคนเจอพร้อมกันที่ห้องประชุม;...
* Khác nhau: (xem Bảng 3)
5.2.1.2. Phần trước nhất hoặc trên cùng của một số đồ vật
* Giống nhau:
- Cùng chỉ một bộ phận của thực vật. Ví dụ: Đầu cuống lá của cây hoa lan đã chuyển vàng; หัวขั้วใบไม้ของต้นกล้วยไม้เปลี่ยนแปล่งเป็นสีเหลืองแล้ว;…
- Cùng chỉ một bộ phận trước nhất, trên cùng của đồ vật, ví dụ như: nhà, bàn, thuyền,... Ví dụ: Cái đầu bàn này được làm bằng nhôm kính; หัวโต๊ะตัวนี้ทำด้วยอนุมีเนียมกระจก; Đầu nhà tôi có một cái hồ bơi nhỏ; หัวบ้านของผมมีสระว่ายน้ำเล็กหนึ่งสระ;…
* Khác nhau: (xem Bảng 4)
5.2.1.3. Biểu tượng của suy nghĩ và nhận thức
* Giống nhau:
- Đều là biểu tượng cho phản xạ của tư duy. Ví dụ: Anh ta là người có đầu nhạy bén; เขาเป็นคนหัวแหลม;…
- Đều là biểu tượng của tâm trạng. Ví dụ: Mẹ nó đang trong thời gian đầu óc rối bời; แม่ของเขากำลังอยู่ในช่วงเวลาหัวซุกหัวซุน;…
- Đều là biểu tượng cho tính cách. Ví dụ: Anh ta là người có đầu sính ngoại; เขาเป็นคนหัวนอก;…
- Đều là biểu tượng cho nhận thức. Ví dụ: Bố nó là người có đầu cổ hủ; พ่อของเขาเป็นคนหัวโบราณ;...
* Khác nhau:
Từ đầu trong tiếng Việt kết hợp với một số danh từ chỉ động vật có bản tính hung dữ trở thành từ ngữ chỉ một số đối tượng có phẩm chất không tốt. Ví dụ: Anh trai nó là một tên đầu bò đầu bướu có tiếng; Bố của nó là đầu gấu bảo kê chợ ở Hà Nội;…
5.2.1.4. Bộ phận trên cùng của thân thể con người hay phần trước nhất của thân thể động vật, nơi có bộ óc và nhiều giác quan khác
* Giống nhau:
- Cùng chỉ đầu sinh học và là một bộ phận trên cơ thể của người và động vật. Ví dụ: đầu lâu – หัวกะลก, đầu trọc – หัวล้าน, đầu người – หัวคน,...
- Cùng chỉ độ tuổi. Ví dụ: Trò chơi này người đầu xanh người đầu bạc chơi được hết; เกมนี้ทั้งคนหัวดำหัวหงอกเล่นได้;...
* Khác nhau: (xem Bảng 5)
5.2.1.5. Vị trí hoặc thời điểm thứ nhất, trên hoặc trước nhất so với các thời điểm, vị trí khác
* Giống nhau:
- Cùng chỉ người đứng đầu một nhóm người tuy nhiên hoàn cảnh sử dụng lại khác nhau. Từ đầu kết hợp với một số từ dùng để chỉ người đứng đầu của một nhóm người có phẩm chất không tốt, ví dụ: Hắn ta là đầu sỏ của bọn trộm cắp trong thành phố; Công an đã tóm được tên đầu đàn của bọn móc túi rồi,… Từ หัว kết hợp với một số từ khác để chỉ vị trí đứng đầu một cơ quan, tổ chức, ví dụ: พี่ชายของมผมเป็นหัวหน้าของมหาวิทยาลัย (Anh trai của tôi là lãnh đạo trường đại học);…
- Cùng chỉ nước đầu của một số loại thực
phẩm. Ví dụ: หัวน้ำยานี้หวานไม่ขม (Nước thuốc đầu này ngọt chứ không đắng).
* Khác nhau: (xem Bảng 6)
5.2.1.6. Phần đối lập, phần tận cùng, giống nhau ở hai phía đối lập trên chiều dài của một vật
Đặc điểm này cả tiếng Việt và tiếng Thái có sự đồng nhất. Ví dụ: Hai bên đầu cầu toàn là rác; หัวสะพานสองด้านขยะเต็มหมดเลย;…
5.2.1.7. Động từ
Cả tiếng Việt và tiếng Thái đều có động từ bắt đầu bằng từ đầu và từ หัว. Tuy nhiên, trong tiếng Thái chỉ có một động từ duy nhất có từ หัว, trong khi đó, động từ bắt đầu bằng từ đầu có số lượng nhiều hơn. Cụ thể: (xem Bảng 7).
5.2.1.8. Dùng làm đơn vị tính
Trong cuộc sống hằng ngày, người Việt Nam và người Thái Lan cũng dùng từ đầu và từ หัว làm đơn vị tính hay còn gọi là danh từ chỉ đơn vị. Ví dụ: Trường học của chúng ta năm nay sẽ đặt mấy đầu báo?; โรงเรียนของพวกเราปีนี้จะสั่งหนังสือพิมพ์กี่หัว;…
5.2.2. Các nét nghĩa riêng
5.2.2.1. Từ đầu trong tiếng Việt được sử dụng để làm tên gọi của một số loại máy móc thuộc đồ dùng điện tử (ví dụ: Chiếc đầu đĩa này đắt nhất trong cửa hàng chúng tôi; Cái đầu phát điện này bố tôi mua năm ngoái;…), nhưng từ หัว trong tiếng Thái không có nghĩa này.
5.2.2.2. Từ หัว trong tiếng Thái được sử dụng để làm tên gọi của một số ngôi sao (ví dụ: ดาวหัวสำเภามีรูปร่างเป็นยังไงและอยู่ภาคไหน? (Sao Thuyền hình dáng như thế nào và ở vùng nào?), nhưng từ đầu trong tiếng Việt không có nghĩa này.
5.2.2.3. Từ หัว trong tiếng Thái được sử dụng để chỉ một phần của một một số loại thực vật khi chúng nằm trong đất; phần nằm trong đất của một vài loại thực vật là nơi mọc ra cây con (ví dụ: หัวหอมโลละราคาเท่าไร (Hành bao nhiêu tiền một kg?);…), nhưng từ đầu trong tiếng Việt không có nghĩa này.
6. Kết luận
Có thể thấy, nhìn trên bề mặt, các nét nghĩa của từ đầu trong tiếng Việt và từ หัว trong tiếng Thái là giống nhau. Tuy nhiên, trongnhiên, trong mỗi nét nghĩa, cách sử dụng của hai từ này có nhiều trường hợp không giống nhau, tạo nên nét riêng cho mỗi từ ở từng ngôn ngữ. Chẳng hạn, cùng là những cụm từ chỉ vị trí thứ nhất hoặc điểm thứ nhất: từ đầu chỉ có 17/169 lần xuất hiện, trong khi đó từ หัว หัว có đến 47/163 lần; cùng được sử dụng làm đơn vị tính: từ đầu có đến 11/169 lần xuất hiện trong khi từ หัว chỉ có 1/163 lần xuất hiện; với vai trò là động từ: từ đầu có 12/169 lần xuất hiện trong khi đó từ หัว chỉ có 2/163 lần;…
Những kết quả nghiên cứu ở trên cho thấy rằng, người Việt và người Thái đều có
TRẦN VĂN NAM