CẤU TRÚC LOẠI MỤC TỪ “THẦN THOẠI TỘC NGƯỜI” TRONG TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA THẦN THOẠI VIỆT NAM (07/12/2023)

Tóm tắt: Bài viết trình bày cấu trúc vi mô của loại mục từ “thần thoại tộc người” trong công trình Từ điển bách khoa Thần thoại Việt Nam. Trong đó đề cập đến khái niệm về từ điển bách khoa, thần thoại và hướng tiếp cận trong nghiên cứu biên soạn mục từ. Bên cạnh đó, bài viết còn biên soạn một mục từ mẫu để minh chứng cho nội dung tri thức của loại mục từ này.

CẢM HỨNG BI KỊCH QUA HỒI ỨC CHIẾN TRANH TRONG SÁNG TÁC CỦA ĐỖ TIẾN THỤY (07/12/2023)

Tóm tắt: Đỗ Tiến Thụy là một trong những cây bút trẻ của nền văn học Việt Nam đương đại. Sáng tác của anh xoay quanh đề tài về những người nông dân, những người lính trở về từ thời chiến, mang theo hồi ức đau thương của chiến tranh. Tập trung khám phá những nỗi buồn, sự đau thương, mất mát, những góc khuất của con người qua hồi tưởng về chiến tranh, Đỗ Tiến Thụy đã lấy cảm hứng bi kịch làm nguồn cảm hứng chủ đạo cho cả ba tác phẩm: tập truyện ngắn Vết thương thành thị, tiểu thuyết Màu rừng ruộng, tiểu thuyết Con chim Joong bay từ A đến Z.

CÁCH THỨC BIÊN TẬP NỘI DUNG CÁC QUYỂN CHUYÊN NGÀNH THUỘC BỘ BÁCH KHOA TOÀN THƯ VIỆT NAM (07/12/2023)

Tóm tắt: Bài viết nêu lên quan niệm về công việc biên tập các quyển chuyên ngành thuộc bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam, nguyên tắc, căn cứ để biên tập cũng như bộ máy biên tập và các bước biên tập. Từ các vấn đề chung đó, bài viết trình bày cụ thể về quy trình và các bước biên tập nội dung các quyển chuyên ngành, trong đó, nhấn mạnh biên tập khoa học là bước có vai trò quan trọng để nâng cao chất lượng các mục từ.

CÁCH ĐỊNH NGHĨA THỪA PHÁT LẠI TRONG CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VÀ LOẠI HÌNH TRA CỨU (07/12/2023)

Tóm tắt: Thừa phát lại xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu nhưng cho đến nay vẫn còn khá xa lạ đối với nhiều người. Do sự phát triển của lịch sử đất nước, chế định Thừa phát lại đã có thời gian bị chấm dứt. Năm 2005 bắt đầu được khôi phục. Năm 2009 chính thức được triển khai thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2016 được triển khai trong phạm vi toàn quốc với mục đích hỗ trợ và góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự. Bài viết nghiên cứu về cách định nghĩa Thừa phát lại trong văn bản pháp luật và một số công trình tra cứu đã xuất bản. Từ đó đưa ra cấu trúc và đề xuất cách định nghĩa khái niệm này trong các loại hình tra cứu theo quy định của pháp luật hiện hành.

CÁC MỤC TỪ VỀ SẢN PHẨM OCOP TRONG BÁCH KHOA THƯ DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG (TRƯỜNG HỢP BÁCH KHOA THƯ DU LỊCH TỈNH QUẢNG NINH) (07/12/2023)

Tóm tắt: Sản phẩm OCOP là sản phẩm truyền thống mang bản sắc của các địa phương, là nguồn tài nguyên du lịch quý giá cung cấp cho du khách, có khả năng làm sinh động các điểm đến du lịch. Sản phẩm OCOP không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn có giá trị về văn hóa truyền thống của các địa phương. Do vậy, các mục từ về sản phẩm OCOP trong Bách khoa thư du lịch địa phương là những mục từ rất quan trọng, có giá trị quảng bá, lưu giữ hình ảnh và tri thức địa phương. Bài viết làm rõ các khái niệm OCOP, sản phẩm OCOP, nghiên cứu cách phân loại các mục sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh, từ đó vận dụng các nội dung thông tin vào trong công trình Bách khoa thư Du lịch tỉnh Quảng Ninh, sau cùng là đề xuất cách thức biên soạn mục từ sản phẩm OCOP trong các Bách khoa thư du lịch địa phương nói chung.

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU CẤU TRÚC CÚ PHÁP TRONG TỤC NGỮ ÊĐÊ (07/12/2023)

Tóm tắt: Tục ngữ Êđê chiếm một vị trí quan trọng trong kho tàng văn hóa dân gian của người Êđê vốn rất phong phú, đa dạng bên cạnh các thể loại khác như sử thi (khan), truyện cổ, luật tục (tập quán pháp),... Đặc biệt, tục ngữ của người Êđê là một trong những thể loại văn học đặc trưng, tiêu biểu. Bằng hình thức ngôn từ đặc biệt, tục ngữ Êđê không chỉ tái hiện lại cuộc sống mà còn thể hiện tri thức dân gian của đồng bào Êđê. Chính ngôn từ klei duê đã hình thành nên nghệ thuật trong lối diễn đạt cô đọng, súc tích, dễ nhớ, dễ thuộc và gần gũi với cuộc sống đơn sơ, hoang dã của đồng bào. Tục ngữ Êđê vì vậy đã khẳng định vai trò, vị trí của mình và góp phần làm phong phú kho tàng văn học dân gian của dân tộc.

BIÊN SOẠN TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT DÀNH CHO HỌC SINH TIỂU HỌC - MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA (07/12/2023)

Tóm tắt: Bài viết trình bày những vấn đề nảy sinh trong thực tế biên soạn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học và phương án giải quyết chúng. Đó là cách lập bảng từ, lựa chọn phương án chú từ loại, cách xử lý các từ chuyển loại/đồng âm cùng gốc, cách cung cấp các ví dụ. Bảng từ của từ điển được xây dựng từ bộ sách giáo khoa tiểu học. Đối với việc chú từ loại, từ điển áp dụng cách phân định từ loại của các nhà biên soạn sách giáo khoa, chú các loại từ loại được học trong chương trình tiểu học và trung học cơ sở. Về những từ đồng âm cùng gốc, từ điển xử lý bằng cách tách thành những mục từ riêng để việc chú từ loại được rõ ràng, nhờ thế việc định hướng sử dụng được rõ hơn. Ví dụ trong từ điển được cung cấp dựa trên cơ sở dữ liệu là những tác phẩm văn học thiếu nhi và sách giáo khoa tiểu học, do đó, tương đối gần gũi, phù hợp với tâm lý trẻ em

BẢNG ĐẦU MỤC CỦA BÁCH KHOA THƯ DU LỊCH THEO PHẠM VI ĐỊA LÝ (07/12/2023)

Tóm tắt: Bách khoa thư du lịch gồm nhiều tiểu loại nhỏ tùy theo việc chia theo phạm vi khu vực địa lý hay chia theo lĩnh vực của ngành. Theo khu vực địa lý, chúng ta có bách khoa thư du lịch có phạm vi quốc tế, quốc gia và địa phương. Bài viết nghiên cứu những đặc trưng của bảng đầu mục trong ba loại bách khoa thư du lịch trên và nhận thấy rằng chúng tuy cùng phản ánh tri thức về ngành du lịch, nhưng mục đích cụ thể và phạm vi khác nhau đã tạo nên những bảng đầu mục khác nhau. Theo phạm vi địa lý, từ bách khoa thư du lịch có phạm vi quốc tế, quốc gia đến địa phương, hàm lượng thông tin lý thuyết của ngành du lịch có xu hướng giảm dần; các thông tin về thực tiễn thì theo chiều ngược lại. Điểm khác nhau cơ bản này đã tạo nên đặc trưng của mỗi loại bách khoa thư du lịch.

ÁP DỤNG MÔ HÌNH GIẢNG DẠY HỌC TẬP KẾT HỢP CHO CHƯƠNG TRÌNH IELTS CƠ BẢN (07/12/2023)

Tóm tắt: Với mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình Ielts cơ bản, bài viết thực hiện khảo sát tính hiệu quả của mô hình học tập kết hợp trong việc cải thiện kết quả học tập bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết cho sinh viên năm thứ nhất theo chương trình đào tạo chất lượng cao Trường Đại học Thương Mại. Nghiên cứu thực nghiệm trên hai lớp, một lớp đối chứng được học theo phương pháp giảng dạy truyền thống trên lớp và một lớp thử nghiệm được học kết hợp trên lớp và học trực tuyến. Phiếu điều tra, khảo sát, phỏng vấn và bài kiểm tra trước và sau khi áp dụng phương pháp được sử dụng để đánh giá hiệu quả của việc áp dụng mô hình giảng dạy học tập kết hợp đối với học phần Ielts cơ bản. Kết quả điều tra cho thấy mô hình giảng dạy học tập này đã giúp cải thiện kết quả học tập cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết của sinh viên.

ẨN DỤ Ý NIỆM “NGƯỜI PHỤ NỮ LÀ CHIẾN BINH” TRONG TIỂU THUYẾT CUỐN THEO CHIỀU GIÓ CỦA MARGARET MITCHELL (07/12/2023)

Tóm tắt: Ẩn dụ ý niệm NGƯỜI PHỤ NỮ LÀ CHIẾN BINH được sử dụng thường xuyên trong tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell. Người phụ nữ được ý niệm hóa thành chiến binh thông qua sự phóng chiếu các thuộc tính ở miền nguồn CHIẾN BINH sang miền đích NGƯỜI PHỤ NỮ. Bài viết này tìm hiểu cơ chế ánh xạ và các ẩn dụ bậc dưới của ẩn dụ này, đồng thời thống kê số lượng biểu thức ẩn dụ, dụ dẫn và tần suất của các dụ dẫn cho từng loại ẩn dụ. Ẩn dụ NGƯỜI PHỤ NỮ LÀ CHIẾN BINH phản ánh cái nhìn khác về người phụ nữ, ở đó họ hiện ra với sự gai góc, mạnh bạo, dũng cảm, gan cường và sẵn sàng xả thân vì người khác.