MỘT SỐ LÝ THUYẾT VỀ ĐỘNG LỰC HỌC NGOẠI NGỮ (07/12/2023)

Tóm tắt: Tính chất và chất lượng của động lực học có ảnh hưởng lớn tới thái độ và kết quả học của người học. Trong các lớp học ngoại ngữ, giáo viên nên cố gắng tạo điều kiện giúp người học tự tạo ra động lực cho chính mình. Để làm được điều này, giáo viên nên hiểu và kết hợp lý thuyết từ nhiều lý thuyết về động lực học khác nhau. Bài viết này giới thiệu ba lý thuyết về động lực được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực học ngoại ngữ. Từ khóa: Động lực học, lý thuyết về động lực, động lực học ngoại ngữ.

MỘT QUAN ĐIỂM PHẠM TRÙ HÓA TỪ NGỮ CHỈ MÀU TIẾNG VIỆT (07/12/2023)

Tóm tắt: Màu sắc là một trong những dạng thức văn hóa đầu tiên được ghi lại và ký hiệu hóa thông qua ngôn ngữ. Người Việt Nam có một kho từ ngữ chỉ màu riêng của mình, rất phong phú và độc đáo, thể hiện tư duy nhận thức của dân tộc và đặc trưng văn hóa rõ nét. Trong bài viết này, chúng tôi điểm lại lịch sử nghiên cứu từ ngữ chỉ màu sắc trên thế giới, từ đó đề xuất cách thức phạm trù hóa từ ngữ chỉ màu tiếng Việt theo lý thuyết điển mẫu. Quan điểm phạm trù hóa này có thể được coi là cơ sở thích hợp cho những khảo sát chuyên sâu về các từ ngữ chỉ màu tiếng Việt.

MÔ HÌNH ĐỊNH NGHĨA DANH TỪ TRONG OXFORD FIRST DICTIONARY (07/12/2023)

Tóm tắt: Trong từ điển giải thích ngôn ngữ, định nghĩa là yếu tố không thể không có trong cấu trúc vi mô của mỗi loại mục từ. Oxford First Dictionary (Từ điển đầu tiên của Oxford) do Evelyn Goldsmith biên soạn và Julie Park minh hoạ là một ấn phẩm của Nhà xuất bản Đại học Oxford dành cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Trong cuốn từ điển này, danh từ, những từ chỉ người, vật, địa điểm,… là từ loại có số lượng mục từ nhiều nhất và cũng là từ loại có số lượng định nghĩa lớn nhất. Do vậy, bài viết này xin giới thiệu các kết quả nghiên cứu về mô hình định nghĩa của danh từ trong cuốn từ điển trên.

KHẢO SÁT TỪ ĐIỂN TÁC GIẢ, TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM (DÙNG TRONG NHÀ TRƯỜNG) (07/12/2023)

Tóm tắt: Bài viết khảo cứu công trình Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng trong nhà trường) do các tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Duy Tân, Nguyễn Như Ý đồng chủ biên, xuất bản năm 2012. Từ đó thấy được đây là cuốn từ điển hữu ích cho nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan và cho đông đảo bạn đọc quan tâm đến nền văn học nước nhà, cả những người nước ngoài muốn tìm hiểu di sản văn học phong phú và lâu đời của Việt Nam.

KHẢO SÁT CÔNG TRÌNH TỪ ĐIỂN TÂM LÝ HỌC (07/12/2023)

Tóm tắt: Bài viết khảo sát một cách khái quát và toàn diện công trình Từ điển Tâm lý học do tác giả Vũ Dũng làm Chủ biên, công bố năm 2008. Cuốn từ điển này là một nguồn tham khảo có giá trị cho những độc giả quan tâm tới ngành Tâm lý học.

KHẢO SÁT ẨN DỤ Ý NIỆM “NGƯỜI ĐÀN ÔNG LÀ THỰC VẬT” TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XX (07/12/2023)

Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu cơ chế ánh xạ trong ẩn dụ ý niệm “NGƯỜI ĐÀN ÔNG LÀ THỰC VẬT” trong văn học Việt Nam thế kỷ XX, với miền nguồn “thực vật” được ánh xạ lên miền đích “người đàn ông”. Trong phạm vi bài báo này, ẩn dụ ý niệm “NGƯỜI ĐÀN ÔNG LÀ THỰC VẬT” được phân thành ba ẩn dụ bậc dưới gồm NGOẠI HÌNH, ĐẶC ĐIỂM, TRẠNG THÁI TINH THẦN CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG LÀ ĐẶC ĐIỂM, TÍNH CHẤT, TRẠNG THÁI SINH HỌC CỦA THỰC VẬT; HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG LÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THỰC VẬT và HOẠT ĐỘNG VỚI NGƯỜI ĐÀN ÔNG LÀ HOẠT ĐỘNG VỚI THỰC VẬT.

HƯỚNG ĐẾN BIÊN SOẠN TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM VĂN HỌC QUỐC NGỮ NAM BỘ (07/12/2023)

Tóm tắt: Văn học quốc ngữ Nam Bộ cơ bản đã được phục dựng về diện mạo và những đặc điểm nổi bật cũng như những đóng góp cho quá trình hình thành và phát triển của nền văn học viết bằng chữ quốc ngữ thế kỷ XX. Việc nghiên cứu, biên soạn các loại công trình tra cứu về văn học quốc ngữ nói chung và về tác giả và tác phẩm nói riêng ở Nam Bộ là một công việc có ý nghĩa và đóng góp. Bài viết tập trung làm rõ một số nội dung chính: tổng quan về tình hình nghiên cứu, biên soạn; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn mục từ và đưa ra cấu trúc vi mô của mục từ trong công trình.

HIỆN TƯỢNG CHÉP THIẾU, CHÉP THỪA TRONG CÁC THÁNH TRUYỆN CỦA GIROLAMO MAJORICA (07/12/2023)

Tóm tắt: Các Thánh truyện 各聖傳 là bộ sách Công giáo viết bằng chữ Nôm, do Linh mục dòng Tên người Ý Girolamo Majorica (1591-1656) cùng các trợ lý của ông biên soạn năm 1646. Bộ sách chứa đựng nhiều thông tin, tư liệu quý về các vị Thánh, gồm cuộc đời, giáo lý, hành trạng và những phép lạ của họ. Do dung lượng lớn gồm 12 tháng của năm mục vụ, và được nhiều người sao chép nên bản Nôm không tránh khỏi một số sai nhầm về mặt văn tự. Bài viết này tập trung khảo sát hiện tượng viết thiếu, viết thừa trong bản Nôm 4 tháng cuối năm (từ tháng 9 đến tháng 12). Trên cơ sở đó chỉ ra hệ quả, đồng thời gợi ý cho người đọc cách nhận diện những chỗ viết thiếu, viết thừa để hiểu đúng hơn nội dung tác phẩm.

ĐỐI CHIẾU NGỮ NGHĨA CỦA TỪ ĐẦU TRONG TIẾNG VIỆT VỚI TỪ หัว TRONG TIẾNG THÁI LAN (07/12/2023)

Tóm tắt: Bài viết so sánh, đối chiếu các nét nghĩa trong từ điển của từ đầu trong tiếng Việt (Việt Nam) và từ หัว trong tiếng Thái (Thái Lan) nhằm chỉ ra sự tương đồng và khác biệt về ngữ nghĩa của hai từ cùng chỉ một bộ phận trên cơ thể con người (và động vật) của hai ngôn ngữ khác nhau. Qua đó thấy được một số nét khác biệt về văn hóa giữa hai đất nước.

ĐỐI CHIẾU NGÔN NGỮ CHỈ THANG ĐỘ LƯỢNG HÓA CỦA BÀI TẠP CHÍ TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT (07/12/2023)

Tóm tắt: Nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ đánh giá trong phần kết quả của bài tạp chí ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Nghiên cứu thống kê tần suất và phân tích nguồn lực hiện thực hóa tiểu loại Lượng hóa trong hệ thống Thang độ của Khung thẩm định theo thuyết đánh giá của Martin và White (2005). Kết quả nghiên cứu cho thấy cả bài báo tiếng Anh và tiếng Việt đều có nhiều đánh giá về số lượng hơn khối lượng và phạm vi. Các tác giả người Anh sử dụng đánh giá lượng hóa nhiều hơn các tác giả Việt Nam. Kết quả thu được hy vọng là nguồn tham khảo hữu ích cho các tác giả khi trình bày sản phẩm nghiên cứu của mình nhằm tăng tính thuyết phục của bài viết.