Ý NIỆM“CÁI CHẾT”PHẢN ÁNH QUA ẨN DỤ TRI NHẬN “CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ” TRONG TIẾNG VIỆT (07/12/2023)

Tóm tắt: Ẩn dụ ý niệm “CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ” đã được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa kinh nghiệm nghiệm thân với cách thức người Việt phản ánh một phạm trù trừu tượng thông qua một phạm trù cụ thể. Nghiên cứu cũng lý giải cơ chế sao phỏng giữa hai miền không gian - miền nguồn “Giấc ngủ” và miền đích “Cái chết” - cũng như việc tổ chức lược đồ ánh xạ của ẩn dụ ý niệm này trong tư duy ngôn ngữ của người Việt.

VIỆN TỪ ĐIỂN HỌC VÀ BÁCH KHOA THƯ VIỆT NAM VỚI VIỆC BIÊN TẬP BÁCH KHOA TOÀN THƯ VIỆT NAM (07/12/2023)

Tóm tắt: Với yêu cầu: “toàn diện”, “chính xác” và “cập nhật” về kênh chữ, kênh hình và kỹ thuật, biên tập Bách khoa toàn thư Việt Nam là một khâu rất quan trọng nhằm kiểm tra những sai sót, góp ý kiến với tác giả, đề xuất phương án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng của bản thảo. Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam có thể thực hiện được việc biên tập công trình nói trên, với điều kiện phải chuẩn bị tâm thế thực hiện công việc khá phức tạp này, đặc biệt là tri thức, cách thức biên tập, sự mẫn cảm và trải nghiệm.

VIỆC CHUYỂN DỊCH CỤM TỪ BỐN CHỮ TIẾNG TRUNG SANG TIẾNG VIỆT (QUA BẢN GỐC VÀ BẢN DỊCH HỒNG LÂU MỘNG) (07/12/2023)

Tóm tắt: Cụm từ bốn chữ (四字格) là một hiện tượng ngôn ngữ độc đáo trong tiếng Trung. Đó là những cụm từ cố định như thành ngữ, hoặc cụm từ không cố định ghép lại với nhau. Cụm từ bốn chữ trong tiếng Trung có các chức năng khác nhau và là một thành phần quan trọng cấu tạo nên câu. Trong bài viết này, chúng tôi vận dụng lý thuyết văn hóa ngôn ngữ của Shen Xiaolong (申小龙) và kết hợp những kiến thức mà chúng tôi tích lũy được để đối chiếu việc chuyển dịch các cụm từ bốn chữ tiếng Trung sang tiếng Việt qua bản gốc và bản dịch Hồng lâu mộng. Kết quả khảo sát cho thấy, cụm từ bốn chữ tiếng Trung khi dịch sang tiếng Việt có thể vẫn giữ nguyên kết cấu bốn chữ hoặc bị phá vỡ kết cấu, có thể là dịch rút gọn (ít hơn bốn) hoặc dịch ý (nhiều hơn bốn). Trên cơ sở đó, chúng tôi tìm ra những điểm giống và khác nhau giữa tiếng Trung và tiếng Việt, đồng thời đề xuất thêm hướng nhìn mới cho cách dịch tiếng Trung sang tiếng Việt.

VIỆC CHÚ TỪ LOẠI TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT DÀNH CHO HỌC SINH TIỂU HỌC (07/12/2023)

Tóm tắt: Vấn đề từ loại tiếng Việt đã được đề cập đến từ rất lâu trong sách ngữ pháp tiếng Việt nói riêng cũng như trong các công trình về tiếng Việt nói chung. Ngay từ năm 1651, Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh của Alexandre de Rhodes in trong Từ điển Annam - Lusitan - Latinh (thường gọi là Từ điển Việt - Bồ - La) cũng đã có đề cập đến từ loại tiếng Việt. Kể từ đó đến nay, có rất nhiều công trình ngữ pháp tiếng Việt của nhiều tác giả khác nhau đã bàn về từ loại tiếng Việt. Bài viết trình bày một số vấn đề về từ loại tiếng Việt và việc chú từ loại tiếng Việt trong Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học.

TỪ ĐIỂN THUẬT NGỮ ĐỐI DỊCH Ở VIỆT NAM (07/12/2023)

Tóm tắt: Từ điển thuật ngữ cùng với từ điển ngôn ngữ và từ điển bách khoa đều là các công trình tra cứu. Ở Việt Nam, công trình đầu tiên được coi là từ điển thuật ngữ đối dịch ra đời năm 1942. Từ đó đến nay, quá trình phát triển từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Để có thể thấy được triển vọng của việc biên soạn từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam, bài viết tập trung tìm hiểu thực trạng biên soạn từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam từ khi có công trình từ điển thuật ngữ đối dịch đầu tiên cho đến hết năm 2020.

TRI THỨC DU LỊCH QUA CÔNG TRÌNH TỪ ĐIỂN NGÔN NGỮ, VĂN HÓA, DU LỊCH HUẾ XƯA (07/12/2023)

Tóm tắt: Huế là vùng đất có tiềm năng du lịch hấp dẫn. Trên cơ sở lý thuyết về tri thức du lịch, tài nguyên du lịch, bài viết tìm hiểu tri thức du lịch và cấu trúc vi mô của từng loại mục trong công trình Từ điển Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch Huế xưa, từ đó đề xuất mẫu biên soạn từ điển liên quan đến du lịch của địa phương. Từ khóa: Tri thức du lịch, tài nguyên du lịch, cấu trúc vi mô

THỰC TRẠNG TIẾNG NÓI VÀ CHỮ VIẾT TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI KINH QUẢNG TÂY, TRUNG QUỐC (07/12/2023)

Tóm tắt: Bài viết trình bày khái quát về thực trạng tiếng nói và chữ viết của người Kinh Quảng Tây, Trung Quốc, phân tích, lý giải những nguyên nhân tạo nên tính đa ngôn ngữ trong cộng đồng dân tộc này. Đồng thời nêu những biện pháp của chính phủ và chính quyền địa phương nhằm bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết truyền thống của người Kinh sống tại đây trước nguy cơ mai một.

TẦM QUAN TRỌNG VÀ TÍNH ỨNG DỤNG CỦA GIAO TIẾP LIÊN VĂN HÓA TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH (07/12/2023)

Tóm tắt: Ngôn ngữ và văn hóa là hai yếu tố không thể tách rời. Đây là vấn đề đã được nhiều nghiên cứu đưa ra, tuy nhiên hiếm có nghiên cứu nào đề cập cụ thể đến tầm quan trọng của việc dạy và học tiếng Anh trên lớp học ở một môi trường cụ thể. Bài viết sẽ đi vào khảo sát đối với sinh viên không chuyên, Trường Đại học Thương mại, từ đó sẽ đưa ra những đề xuất, gợi mở cho giáo viên cách thức để ứng dụng tích hợp các hoạt động giao tiếp liên văn hóa trong quá trình giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên.

SỰ TƯƠNG ĐỒNG TRONG QUAN NIỆM VỀ HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI HÀN QUA TỤC NGỮ (07/12/2023)

Tóm tắt: Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, có vần điệu, lưu truyền trong dân gian, đúc kết tri thức, kinh nghiệm thực tiễn và những bài học nhân văn sâu sắc mà cha ông để lại, trong đó những bài học về cuộc sống gia đình nói chung và mối quan hệ vợ chồng nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Trong bài viết này, chúng tôi đi sâu tìm hiểu sự tương đồng trong quan niệm về hôn nhân giữa người Việt và người Hàn qua tục ngữ, cụ thể là các yếu tố tác động đến mối quan hệ vợ chồng và phương pháp duy trì tốt mối quan hệ vợ chồng thông qua tục ngữ; qua đó lý giải nguyên nhân của sự tương đồng đó dưới góc độ lịch sử - văn hóa.

SỰ GIAO THOA VĂN HÓA HOA - VIỆT VÀ TƯ LIỆU HÁN NÔM Ở QUAN THÁNH MIẾU, HUYỆN LONG HỒ, TỈNH VĨNH LONG (07/12/2023)

Tóm tắt: Quan Thánh miếu, cơ sở thờ tự “đặc biệt” của người Việt và người Hoa ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ngoài những giá trị về mặt văn hóa tâm linh, Quan Thánh miếu còn lưu giữ nguồn tư liệu Hán Nôm quý về hành trạng và công tích của Hồ Khắc Trung đối với công cuộc kiến quốc của nhà Nguyễn, nhưng chưa được biết đến nhiều. Qua khảo sát, nghiên cứu tiến hành tìm hiểu các vấn đề nói trên, làm cơ sở cho việc hoạch định và tôn tạo tự tích thời hiện đại.