Nội dung:
Ngày 19-10-2012, tại trường Đại học Lao động Xã hội, TP Hồ Chí Minh, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về xây dụng Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.

Hội nghị có hơn 100 GS, PGS, TS đầu ngành trong lĩnh vực khoa học, xã hội ngôn ngữ từ Đà nẵng trở vào cùng tham dự và đóng góp ý kiến xây dựng đề án.
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định: Việt Nam hiện nay là một nước đang trên đường Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì vậy nhu cầu cần phải có Bách khoa toàn thư đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đó là công cụ thiết yếu, góp phần nâng cao kiến thức cho nhân dân một cách tích cực và hiệu quả.
Trong lịch sử, Việt Nam đã có nền văn hóa văn minh, phong phú và nhiều bản sắc. Hai bộ sách " Vân đài loại ngữ" của Lê Quý Đôn ( cuối thế kỷ XVIII) và "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú ( đầu thế kỷ XIX) có thể xem là những bộ sách Bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiêm, trong hoàn cảnh hiện nay, những bộ sách như thế vẫn chưa thể đáp ứng được so với nhu cầu của nhân dân. Ngoài ra, trên thế giới, các nước đều biên soạn những bộ Bách khoa toàn thư hiện đại để phục vụ cho phát triển của đất nước, thậm chí, nhiều quốc gia còn có Bách khoa thư cho mỗi ngành, lĩnh vực riêng của mình.
Theo đề án, dự kiến Bộ Bách khoa thư sẽ gồm 73 ngành khoa học được thực hiện trên 36 quyển đề cập đến tất cả các lĩnh vực của xã hội.
Theo lộ trình, Bộ Bách khoa sẽ được thực hiện trong thời gian 12 năm, trong đó chia thành hai giai đoạn 2012-2022 và 2022-2024 với sự tham gia của khoảng 2.000 nhà khoa học trên cả nước.