Nội dung:
Cuộc thi Hoa hậu Bò sữa được tổ chức hàng năm (bắt đầu từ 2004) tại Công ti Giống Bò sữa Mộc Châu, dành cho các con bò khoẻ đẹp và cho nhiều sữa. Các “cô bò” được chăm sóc kĩ lưỡng, tắm rửa, kết nơ... trước khi dự thi cuộc thi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là nơi tôn vinh những “cô bò” đẹp nhất và mang nhiều sữa nhất cũng như tôn vinh những người chủ đã dày công chăm sóc chúng. Cuộc thi đã diễn ra được 9 năm. Con bò đoạt giải nhất được nhận danh hiệu Hoa hậu Bò sữa. Tuy nhiên, tên gọi "tôn vinh" này chưa nhận được sự đồng thuận ở một số người. Có ý kiến cho rằng nó phản cảm khi đồng nhất người với loài bò và đề xuất nên loại bỏ tên gọi này.
Sau báo cáo đề dẫn của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Sơn La, đã có nhiều báo cáo (và ý kiến) được trình bày: Hoàng Trí Thức, Phạm Văn Tình, Hà Quang Năng, Phạm Hùng Việt, Tạ Văn Thông, Nguyễn Thị Thanh Nga, Đặng Hoàng Hải, Dương Thị Dung, Phạm Thị Phượng, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Đức Nguyện... Các đại biểu tham dự Hội thảo đã phân tích tên gọi từ nhiều góc độ ngôn ngữ, văn hoá, xã hội, đồng thời cũng dự tính đưa ra một số tên gọi khác để thay thế như: "Vương miện Bò sữa", “Bò sữa vàng”, “Bò sữa vàng Mộc Châu”, “Bò sữa hoa hậu”, “Bò sữa vô địch”, “Quán quân bò sữa”, “Nữ hoàng bò sữa”, v.v. (dù rằng những tên gọi này đều có hạn chế nhất định về ngữ nghĩa). Sau quá trình tranh luận, Hội thảo đã đi đến thống nhất dùng danh xưng “Hoa hậu Bò sữa” là hoàn toàn hợp quy luật ngôn ngữ và không có gì vi phạm đến văn hoá xã hội, đồng thời đề nghị thêm tên gọi vùng địa lí vào sau (Mộc Châu) để tăng tính địa phương cho tên gọi (thành Hoa hậu Bò sữa Mộc Châu). Hội thảo cũng đề xuất ý kiến cần có sự khảo sát thêm trong dư luận xã hội để đảm bảo tính khoa học và thực tiễn của tên gọi.
THANH NGA