Tìm kiếm mục từ trong bộ từ điển bách khoa (4 tập)
Từ khóa
Chuyên ngành
Địa lý
Giải nghĩa
XE MÁY

phương tiện vận tải có hai hoặc ba bánh dẫn động bằng động cơ đốt trong loại bốn kì hay hai kì, thường là động cơ xăng làm mát bằng không khí và truyền lực bằng truyền động các đăng hoặc bằng truyền động xích. Có vài loại đặc biệt như XM thể thao - động cơ làm mát bằng nước. Hiện đang phát triển XM điện. Theo công dụng, XM chia ra loại đường dài, thể thao và đặc biệt. Theo thể tích làm việc của động cơ và khối lượng toàn xe, XM chia ra loại cực nhẹ (khối lượng dưới 70 kg, thể tích làm việc của động cơ dưới 125 cm3); loại nhẹ (khối lượng 70 - 120 kg, thể tích làm việc của động cơ 250 - 500 cm3); loại nặng (khối lượng hơn 180 kg, thể tích làm việc của động cơ hơn 500 cm3) có thể làm thêm thùng xe. Công suất động cơ loại lớn nhất là XM thể thao lên đến 147 - 220 kW/lít. Các bộ phận của XM gồm có: 1) Động cơ là nguồn năng lượng cơ khí cung cấp cho XM chuyển động; 2) Hệ thống truyền lực để truyền mômen quay từ động cơ đến bánh xe chủ động; 3) Hệ thống chuyển động gồm khung (nặng phía trước), yên, giá, bánh xe và săm lốp; 4) Hệ thống điều khiển gồm có hệ thống phanh và hệ thống lái.

Xe máy

Sơ đồ cấu tạo xe máy: 1. Càng phuốc; 2. Khoá điện; 3. Đồng hồ tốc độ; 4. Tay phanh trước; 5. Tay điều khiển cacbuaratơ; 6. Tay điều khiển li hợp; 7. Thùng nhiên liệu; 8. Cacbuaratơ; 9. Giảm chấn phuốc sau; 10. Ống giảm thanh; 11. Phuốc sau; 12. Xích tuyến phía sau; 13. Bàn đạp khởi động; 14. Bộ li hợp; 15. Xích truyền phía trước (xích cam); 16. Trục cam; 17. Pít tông; 18. Xi lanh; 19. Guốc phanh; 20. Ổ bánh

Chiếc XM đầu tiên ra đời năm 1869 khi kĩ sư Pơrô (L. G. Perreaux; nhà sáng chế người Pháp) đưa cho Misô (P. Michaux) một động cơ hơi nước có kích cỡ thu nhỏ để trang bị cho một xe đạp. Đến cuối thế kỉ 19, chiếc XM đầu tiên có động cơ đốt trong vận hành bằng nhiên liệu khí dầu lửa do kĩ sư người Đức Đaimơlơ (G. Daimler) chế tạo (1885); máy được trang bị động cơ sử dụng nhiên liệu xăng 2 kì, sau đó là 4 kì [do Hinđơbran (H. Hildebrand; nhà hóa học Hoa Kì) liên kết với Vonfơmuylơ (A. Wolfmüller) chế tạo năm 1892].