(cg. thuyết Nhật tâm), học thuyết cho rằng Mặt Trời nằm ở vị trí trung tâm của hệ thống Mặt Trời. Trái Đất và các hành tinh khác quay xung quanh Mặt Trời. Tư tưởng này đã có từ rất sớm nhưng phải đến thế kỉ 16, thời Kôpecnich (N. Kopernik),mới trở thành học thuyết đối lập với thuyết "Trái Đất là trung tâm" của Arixtôt (Aristote) - Ptôlêmê (Ptolémée). Kôpecnich chứng minh bằng toán học rằng vũ trụ vận động xung quanh tâm của nó là Mặt Trời chứ không phải Trái Đất. Về sau, hệ thống Kôpecnich đã được Galilê (G. Galilée), Kêplơ (J. Kepler), Niutơn (I. Newton) chỉnh lí cho chính xác: Mặt Trời không nằm ở trung tâm của vũ trụ (vũ trụ không có trung tâm) mà chỉ là trung tâm của hệ thống Mặt Trời; bản thân hệ thống Mặt Trời cũng vận động trong không gian vũ trụ. TMTLTT phủ định quan niệm tôn giáo về thần học vũ trụ, về địa vị trung tâm, ưu đãi của con người ở trong vũ trụ. Nó mở ra một thời kì phát triển mạnh mẽ cho thiên văn học và nhận thức khoa học nói chung. Xt. Vũ trụ học.
Thuyết Mặt Trời là trung tâm
Hình vẽ cổ minh hoạ thuyết Mặt Trời là trung tâm