(tk. chế độ công xã thị tộc, chế độ thị tộc, chủ nghĩa cộng sản nguyên thuỷ), hình thái kinh tế - xã hội đầu tiên trong lịch sử loài người. Bắt đầu từ thời kì xuất hiện Người khôn ngoan (Homo sapiens) và kết thúc với sự hình thành xã hội có giai cấp và xuất hiện nhà nước. Đặc điểm: sở hữu chung về tư liệu sản xuất, lao động tập thể và hưởng chung thành quả lao động; công cụ sản xuất thô sơ, lực lượng sản xuất phát triển ở trình độ thấp. Theo nhiều nhà nghiên cứu, hạt nhân của CĐCXNT là thị tộc mẫu quyền và mẫu hệ, về sau được thị tộc phụ quyền và phụ hệ thay thế. Sự phát triển của lực lượng sản xuất, của sự phân công lao động xã hội dẫn đến sự xuất hiện tư hữu và sự tan rã của thị tộc. Ở thời kì tan rã, xuất hiện công xã láng giềng nguyên thuỷ. Khi giai cấp xuất hiện và nhà nước ra đời thì CĐCXNT cũng chấm dứt. Hiện nay, tàn dư của nó còn tồn tại ở một số dân tộc. Xt. Phương thức sản xuất công xã nguyên thuỷ.