cơ quan vị giác nằm trong khoang miệng của động vật có xương sống. Ở động vật có vú, L là khối cơ vân chắc, phủ ngoài bằng lớp biểu bì phân lớp, phía dưới là lớp mô liên kết. Mặt trên L có nhiều nhú cảm giác (chồi cảm giác), nhú chứa các cơ quan hoá học nhạy cảm với chất hoá học có trong dung dịch. Trên L chia thành một số vùng tương ứng với khả năng cảm giác, vị giác khác nhau. Ở đa số động vật, L gắn với phía sau khoang miệng và thò ra phía trước, cử động được. Ở cá, L là một nếp gấp của mô để hỗ trợ cho động tác nuốt. Một số loài lưỡng cư như ếch, cóc, L gắn ở phía trước khoang miệng, đầu có chia nhánh và có thể phóng ra để bắt côn trùng. Ở người, một số bệnh được thể hiện qua L như L đỏ, bóng trong bệnh thương hàn; L trắng, bự trong bệnh tiêu hoá; L nhẵn chứa các nhú vị giác trong bệnh thiếu máu Biecme (bệnh gọi theo tên của thầy thuốc người Đức A. Biecme); L đỏ, phù nề trong dị ứng thuốc. Trong đông y, khám L là một thành phần của vọng chẩn (nhìn); biểu thị một số tình trạng bệnh lí của phủ tạng, biến hoá của bệnh tật.