(cg. Hiếu lăng), lăng xây dựng trong những năm 1840 - 43 trên núi Cẩm Khê gần ngã ba Bằng Lãng (nơi gặp nhau của hai dòng sông nhỏ hợp thành sông Hương), cách Huế 12 km (làng Định Môn, Hương Trà cũ). Lăng có diện tích 18 ha, xung quanh có tường bao bọc xây bằng gạch và đá cao 3,5 m, dày 0,8 m, chu vi 1750 m. Các công trình kiến trúc bố cục đăng đối dọc theo một trục trung tâm gọi là thần đạo. Qua cửa chính Đại Hồng môn, hai bên có 2 cửa phụ là tả và hữu Hồng môn thì đến sân chầu với hai hàng tượng đá đối xứng từng cặp: 2 tượng voi, 2 tượng ngựa, 10 tượng quan hầu và 2 con nghê đồng. Tiếp đó là nhà bia xây trên nền cao 3 cấp, 20 bậc lên xuống, trong đó có tấm bia đá lớn, cao 3 m (bài văn bia do vua Thiệu Trị viết). Sân tế dài 3 lớp dẫn đến Hiển Đức môn trước điện Sùng Ân - điện thờ vua Minh Mạng và hoàng hậu. Phía sau điện là Hoàng Trạch môn, hai bên phía trước và phía sau điện thờ là 2 tùng viện và 2 tùng điện. Ra khỏi Hoàng Trạch môn có 3 nhịp cầu đá là cầu Trung Đạo, cầu Tả Phù, cầu Hữu Bật bắc qua hồ Trường Minh và dẫn đến Minh Lâu trên nền cao kiến trúc có tỉ lệ hài hoà và trang trí tinh xảo. Sau đó là cầu Thông minh chính trực bắc qua hồ Tân Nguyệt, hai bên có hai trụ biểu cao vút dựng trên hai núi nhỏ là Thành sơn và Bình sơn (hai đầu cầu còn có hai nghi môn đồng chạm nổi). Từ cầu "Thông minh chính trực" bước lên các bậc đá cao giữa 2 rồng đá lớn dẫn đến Bửu thành là một quả đồi cây cối um tùm (trong có mộ táng không rõ cụ thể ở vị trí nào).
Ngoài các công trình chủ yếu nói trên, xen kẽ và rải rác trong khu vực lăng còn có: đình Điếu ngư (câu cá), hiên Tuần lộc (nuôi hươu nai), gác Nghênh phong (lầu hóng gió), tạ Hư hoài, sở Quan lan, ... cùng một số kiến trúc nhỏ khác nữa, khiến cho quần thể kiến trúc lăng uy nghi, tráng lệ.

Lăng Minh Mạng